10:08, 24/08/2020

Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng

Do ảnh hưởng của nắng hạn nên nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có mưa nên các đơn vị, hộ gia đình đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.

 

Do ảnh hưởng của nắng hạn nên nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có mưa nên các đơn vị, hộ gia đình đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.


Rừng trồng chết vì hạn


Mùa khô hạn năm nay đã để lại hậu quả nặng nề đối với nhiều diện tích rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, trong lâm phận của đơn vị có đến hơn 1.207ha rừng, chủ yếu là rừng trồng bị thiệt hại. Trong đó, nặng nhất là các diện tích rừng trồng phòng hộ giai đoạn 2015 - 2018 tại các xã: Sơn Tân, Cam Tân, Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) với tổng diện tích rừng bị thiệt hại lên đến hơn 1.100ha. Cũng vì nắng hạn, hơn 100ha rừng trồng tại TP. Cam Ranh và huyện Khánh Sơn bị thiệt hại nặng. Trong khi đó, thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho thấy, gần 88ha rừng trồng tại huyện Vạn Ninh và hơn 154ha tại thị xã Ninh Hòa đã bị thiệt hại lên đến 80 - 90% do nắng hạn.

 

Các đơn vị chủ rừng đã sẵn sàng lượng cây giống để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.

Các đơn vị chủ rừng đã sẵn sàng lượng cây giống để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.


Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, do thời tiết nắng hạn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy rừng gây thiệt hại 126ha rừng. Ngoài ra, hơn 130ha rừng tự nhiên là rừng lồ ô, rừng hỗn giao cây gỗ và cây lồ ô bị chết khô và hơn 2.543ha rừng trồng của các chủ rừng nhà nước, hộ cá nhân bị thiệt hại nặng, trong đó đa phần là những diện tích rừng trồng 1 - 2 năm tuổi. Một số diện tích rừng trồng các năm 2000, 2001, phân bố tại nơi có điều kiện thổ nhưỡng xấu cũng bị chết. Ước tính giá trị các diện tích rừng bị thiệt hại do nắng hạn trong toàn tỉnh hơn 13,17 tỷ đồng.


Để khắc phục những thiệt hại về rừng do nắng hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng theo dõi mức độ thiệt hại, khả năng phục hồi của cây rừng để có biện pháp xử lý. Đối với rừng tự nhiên, nếu khả năng phục hồi kém sẽ triển khai các biện pháp khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng bổ sung, làm giàu rừng. Đối với rừng trồng, những diện tích có khả năng phục hồi, trong mùa mưa năm nay sẽ tiến hành trồng dặm, những diện tích bị thiệt hại nặng sẽ tiến hành thanh lý, trồng lại rừng.


Tập trung trồng mới


Gần đây, trên địa bàn huyện Khánh Sơn liên tục có mưa, rất thuận lợi cho việc trồng rừng, vì vậy, các địa phương trong huyện đã khẩn trương đưa cây giống về cấp cho 90 hộ tham gia dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2020 - 2022 của huyện để tiến hành trồng mới hơn 126ha rừng tại 5 xã, thị trấn trong huyện, nhiều hộ đã trồng xong. Ngoài ra, nhiều hộ khác sau khi thu hoạch rừng sản xuất cũng đã tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống giống hàng trăm héc-ta rừng trồng.


Theo đại diện các chủ rừng nhà nước, mùa vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh thường diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 vào khoảng tháng 5, tháng 6 khi trời có mưa dông và đợt 2 vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 khi đã có mưa đều. Năm nay, do nắng hạn nên diện tích rừng trồng đợt 1 rất thấp, nhưng bù lại đợt 2, các địa phương miền núi có mưa sớm nên nhiều đơn vị đã bắt tay ngay vào việc trồng rừng, chăm sóc rừng. Tính đến giữa tháng 8, các đơn vị chủ rừng nhà nước trong tỉnh đã trồng mới 566,3ha rừng trồng tập trung, đạt gần 60% kế hoạch năm 2020; chăm sóc hơn 2.480ha rừng, đạt hơn 90% kế hoạch… Các đơn vị đang tiếp tục tập trung nhân lực, cây giống tại từng khu vực để tiến hành trồng rừng theo hình thức cuốn chiếu nhằm sớm hoàn tất kế hoạch trồng rừng đã được phê duyệt.

 
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã hoàn tất hồ sơ trồng rừng, xử lý xong thực bì, chuẩn bị hiện trường, cây giống để tận dụng thời tiết đang có mưa đẩy nhanh tiến độ trồng dặm và trồng mới rừng. Với điều kiện thuận lợi về thời tiết, nhân công không còn khan hiếm như những năm trước, dự kiến cuối tháng 9 năm nay, các đơn vị sẽ hoàn tất kế hoạch trồng, chăm sóc rừng; so với tiến độ của 2 - 3 năm gần đây thì tiến độ trồng năm nay nhanh hơn. Việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sẽ góp phần khắc phục hậu quả của nắng hạn, gia tăng tỷ lệ độ che phủ rừng trong những năm tới.


Hải Lăng