11:08, 21/08/2020

Chuyển biến trong giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 21-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. 

Sáng 21-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nét mới và sự cố gắng của tỉnh Khánh Hòa trong giải ngân vốn đầu tư công.


Nhiều chuyển biến


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 410.600 tỷ đồng; vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Cụ thể, vốn đầu tư của các bộ, cơ quan Trung ương 107.992,259 tỷ đồng, chiếm 22,9% tổng số vốn. Vốn đầu tư của các địa phương là 362.607,741 tỷ đồng, chiếm 77,1%. Đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới. Trong đó, 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho các dự án để giải ngân vốn; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết hơn 90% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho các dự án để giải ngân do một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư (chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc chưa có quyết định đầu tư); 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án để giải ngân vốn.

 

Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang.

Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang.


Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực. Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.


Tại Khánh Hòa, căn cứ khả năng thu ngân sách của tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 3.246,639 tỷ đồng (giảm 1.352,644 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). So với kế hoạch vốn được giao, tỷ lệ giải ngân của Khánh Hòa đến ngày 15-8-2020 đạt 26,8% (tỷ lệ giải ngân đến ngày 15-7-2020 đạt 23,1%). So với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế thì tỷ lệ giải ngân đến ngày 15-8 đạt 37,9%, tăng 5,1% so với cùng kỳ tháng trước. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 46,3% kế hoạch, tăng 4,5% so với tháng trước. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 30,2% kế hoạch, tăng 4% so với tháng trước. Dự kiến tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến ngày 30-9 đạt 63,5% (đáp ứng tỷ lệ trên 60% mà Chính phủ giao) và đến cuối năm sẽ đạt 100%.


Biểu dương cách làm của Khánh Hòa


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng cho biết, hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân. Chủ tịch cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh liên tục tổ chức các buổi thực địa từng địa phương để đôn đốc đầu tư công.  Hiện nay, 1 tuần 2 lần UBND tỉnh tổ chức họp bàn về việc định giá đất và tìm cách tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, thành lập Tổ tư vấn, Tổ giúp việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh theo từng quý, năm, báo cáo UBND tỉnh phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm phù hợp với tiến độ, khả năng triển khai thực hiện của các dự án để trình HĐND tỉnh xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án, điều chuyển vốn đầu tư công phân cấp cho cấp huyện. Khi gặp khó khăn, Tổ tư vấn, Tổ giúp việc có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ. “Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 89 của Chính phủ đối với dự án Kè chống sạt lở bờ bắc thị trấn Diên Khánh nhằm đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô, đảm bảo mục tiêu được phê duyệt ban đầu. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng có những hướng dẫn cụ thể một số thủ tục trong việc triển khai các dự án đầu tư công”, ông Lê Hữu Hoàng kiến nghị.


Trước những kết quả tỉnh Khánh Hòa đạt được, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng cho rằng: “Bây giờ mới giải ngân được 30 - 40% nhưng đến tháng 9 giải ngân lên đến 60% và 100% vào cuối năm là một sự cố gắng rất lớn của tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề về vốn đầu tư công là một điều rất mới, đây là kinh nghiệm để địa phương khác học hỏi. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập được tổ tư vấn để họp bàn về việc ban hành giá đất và tìm phương án tháo gỡ cũng cho thấy sự quyết liệt của Khánh Hòa”.


Kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá, từ sau hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 7 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nhiều chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với những tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, hội nghị cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.

 

Đình Lâm