02:08, 24/08/2020

Tập trung phát triển cây trồng chủ lực

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã xác định cây trồng chủ lực gồm: bưởi da xanh, sầu riêng, xoài và mít để định hướng phát triển. Từ đó, kinh tế nông nghiệp của địa phương đã có những khởi sắc

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xác định cây trồng chủ lực gồm: bưởi da xanh, sầu riêng, xoài và mít để định hướng phát triển. Từ đó, kinh tế nông nghiệp của địa phương đã có những khởi sắc.


Đến trang trại hơn 6ha đất trồng bưởi da xanh theo mô hình VietGAP của ông Đặng Thái Luyện (thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú), ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là vườn cây trĩu quả. Dù việc sản xuất nông nghiệp chung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng những quả bưởi từ trang trại của ông lại luôn trong tình trạng “thừa cầu, thiếu cung”. Ông Luyện chia sẻ: “Sau thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, triển vọng của các loại cây trồng, năm 2017, tôi mạnh dạn đầu tư vào giống bưởi da xanh, đây là loại cây trồng chủ lực của huyện, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, được địa phương khuyến khích sản xuất. Vì đã có thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh, cùng với mô hình sản xuất hướng VietGAP, tôi không gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, sản lượng luôn đạt cao như kỳ vọng”.

 

Nhờ đầu tư đúng cây trồng chủ lực, nhiều trang trại bưởi da xanh  đã cho những quả ngọt.

Nhờ đầu tư đúng cây trồng chủ lực, nhiều trang trại bưởi da xanh đã cho những quả ngọt.


Trước đây, sản xuất nông nghiệp chủ yếu của Khánh Vĩnh với những cây trồng truyền thống là lúa, bắp, mì, mía... được người dân sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất còn thấp, chưa tạo được bước đột phá tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị trên đơn vị đất đai và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Từ đó, địa phương đã có nghiên cứu, xác định cơ cấu cây trồng phù hợp để phát triển với 4 loại cây trồng chủ lực, gồm: Bưởi da xanh, sầu riêng, xoài và mít.


Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, những năm qua, Đề án phát triển cây trồng chủ lực đã được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo bước ngoặt lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ gia đình tham gia đề án chuyển đổi từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng 4 loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 2016 và 2017, huyện triển khai thực hiện phát triển cây trồng chủ lực cho 213 hộ tại 7 xã: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Thành, Sông Cầu và Khánh Phú với tổng diện tích 174,86ha, trong đó có 168,21ha bưởi da xanh, 6,65ha sầu riêng. 100% hộ tham gia dự án được tham dự tập huấn kỹ thuật; được đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng cây ăn quả và hỗ trợ giống cây, phân bón, thủy lợi... với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,1 tỷ đồng.


Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực, đến nay, toàn huyện đã phát triển diện tích các loại cây trồng chủ lực đạt 976,7ha, trong đó cây bưởi da xanh 550ha; cây sầu riêng 100ha; xoài 155ha; mít 171,7ha; từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Song song với kế hoạch phát triển cây trồng chủ lực, địa phương tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn với 85ha của 55 hộ được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian qua; hình thành vùng chuyên canh cây bưởi da xanh và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.


Thời gian tới, để phát triển cây chủ lực theo chiều sâu, huyện Khánh Vĩnh đang xây dựng kế hoạch triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán tốt. Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, đặc biệt là công trình thủy lợi hồ chứa nước Sông Chò 1 để mở rộng diện tích tưới đối với diện tích cây ăn quả; phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch đồng quê gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, tham quan vườn cây ăn trái...


VĨNH THÀNH