12:07, 16/07/2020

Trợ lực cho nông nghiệp Khánh Hòa

Sáng 15-7, các ông: Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tỉnh Khánh Hòa về tình hình nông nghiệp, nông thôn.

Sáng 15-7, các ông: Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT với tỉnh Khánh Hòa về tình hình nông nghiệp, nông thôn.


Định hình bức tranh nông nghiệp


Theo báo cáo của UBND tỉnh, đánh bắt, nuôi trồng hải sản của Khánh Hòa đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Khánh Hòa cũng là vùng trọng điểm về xuất khẩu thủy sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 800 triệu USD, trong đó xuất khẩu thủy sản hơn 600 triệu USD.

 

Bộ trưởng làm việc với Khánh Hòa.

Bộ trưởng làm việc với Khánh Hòa.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta cần quán triệt quan điểm, việc đầu tư các hệ thống thủy lợi hiện nay không phải để phục vụ cho mục đích tưới lúa. Nước bây giờ để dành cho sinh hoạt, du lịch dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp giá trị cao, đặc hữu. Từ quan điểm này, việc đầu tư hệ thống thủy lợi mới phát huy được hết giá trị của nó.

Hiện nay, toàn tỉnh có 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng cây hàng năm 60.000ha, đất trồng cây lâu năm 40.000ha. Trong 5 năm tới, Khánh Hòa đặt mục tiêu chuyển đổi 3.000ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước sang cây trồng khác; chuyển 5.000ha đất trồng mía đường kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm, cây lâu năm. Đồng thời, giữ ổn định đầu tư thâm canh 17.000ha lúa nước, trong đó có 5.000ha lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, 15.000ha mía, 10.000ha xoài; mở rộng diện tích trồng cây có múi, cây sầu riêng ở những vùng có điều kiện.


Về chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000 con heo, 2,8 triệu con gia cầm, 80.000 trâu bò. Tuy không phải là tỉnh mạnh về chăn nuôi nhưng hệ thống chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh đang phát triển, chiếm 80% tổng đàn. Chăn nuôi đã đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và một phần xuất tỉnh.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao vị trí, địa thế, các điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa trong phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, Khánh Hòa là mảnh đất du lịch nổi tiếng thế giới. Vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp cũng phải làm sao dựa được vào du lịch để phát triển.


 Chú trọng an ninh nguồn nước


Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp với hơn 61.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ tưới cho được 21.000ha cây trồng, chiếm 18,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó lúa 2 vụ đáp ứng tưới được 70% diện tích, còn lại các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, cây lâu năm gần như chưa được tưới bằng công trình thủy lợi.

 

Bộ trưởng kiểm tra tình hình hạn hán tại hồ chứa nước Cam Ranh.

Bộ trưởng kiểm tra tình hình hạn hán tại hồ chứa nước Cam Ranh.


Trên thực tế, vào mùa mưa, Khánh Hòa thừa khoảng 2,38 tỷ m3 nước, nhưng vào mùa khô lại thiếu khoảng 650 triệu m3 nước. Sở dĩ xảy ra điều này là bởi các hồ chứa nước ở Khánh Hòa hiện nay chỉ có khả năng chứa được 250 triệu m3, không đảm bảo tích trữ được lượng nước cần thiết (khoảng 1 tỷ m3), nên vào mùa mưa nước theo sông suối chảy ra biển, trong khi mùa khô lại hạn hán, thiếu nước. Hiện nay, tình hình nắng hạn trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều khu vực dân cư thiếu nước sinh hoạt, nhu cầu kinh phí cho các hoạt động chống hạn, cấp nước sinh hoạt khá cao. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ hỗ trợ tỉnh 80 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt đến các khu vực dân cư đang bị thiếu nước trên địa bàn.


Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, ở khu vực phía bắc của tỉnh, các phương án xây dựng hồ Đồng Điền phục vụ cho vùng Vạn Ninh; xây đường ống từ hồ Tiên Du dẫn nước phục vụ cho khu vực phía nam thị xã Ninh Hòa đã được tính đến. Ở phía nam của tỉnh, khu vực thường xuyên thiếu nước, việc nâng cấp hồ Cam Ranh để phục vụ cho khu vực bắc bán đảo Cam Ranh và kéo đường ống nước từ hồ Tân Mỹ (tỉnh Ninh Thuận) đã được tính toán nhằm cải thiện nguồn nước cho phía nam Cam Ranh. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang đầu tư xây dựng hồ chứa nước Sông Chò 1, dung tích 109 triệu m3. Tỉnh cũng đang tập trung triển khai dự án sửa chữa nâng cao an toàn đập đối với 8 hồ chứa nước nhằm nâng khả năng trữ nước phục vụ cho các mục đích trên địa bàn tỉnh.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục Thủy lợi thành lập đoàn công tác, phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ chức rà soát lại toàn bộ công trình thủy lợi trên địa bàn Khánh Hòa. Từ đó, làm căn cứ xác định các công trình cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới.


Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó, đối với nuôi trồng hải sản trên biển, hỗ trợ tỉnh tổ chức khảo sát đánh giá trên vùng biển ngoài 3 hải lý để nuôi xa bờ; xem xét chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi vật liệu mới làm lồng bè nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ phí bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển. Ngoài ra, đề nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định, hướng dẫn thực hiện để địa phương có căn cứ pháp lý xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.


Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thống nhất cao với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan đến việc hỗ trợ đầu tư một số công trình thủy lợi, hạ tầng thủy sản. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc triển khai các giải pháp công trình, phi công trình nhằm giải quyết trước mắt và lâu dài vấn đề an ninh nguồn nước.


Hồng Đăng


 


 

Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 978 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương cấp phát 719 tỷ đồng, tỉnh vay lại 107 tỷ đồng, vốn đối ứng 152 tỷ đồng. Đầu tư dự án Khu neo đậu tránh trú bão sông Tắc kết hợp cảng cá Hòn Rớ, mục tiêu đầu tư là nạo vét, khơi thông luồng lạch tạo vùng nước khoảng 82ha, đáp ứng cho 1.500 chiếc tàu thuyền có công suất đến 500CV neo đậu tránh trú bão. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 200 tỷ đồng.