08:07, 01/07/2020

Lúng túng triển khai đề án rau an toàn

Đề án Sản xuất rau an toàn của thành phố Cam Ranh đặt mục tiêu năm 2020 có 15ha, năm 2025 có 50ha, năm 2030 có 132ha trồng rau an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay, kế hoạch sản xuất rau an toàn năm 2020 chưa thể ban hành.

Đề án Sản xuất rau an toàn của TP. Cam Ranh đặt mục tiêu năm 2020 có 15ha, năm 2025 có 50ha, năm 2030 có 132ha trồng rau an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay, kế hoạch sản xuất rau an toàn năm 2020 chưa thể ban hành.


Còn nhiều khó khăn


Ông Nguyễn Ngọc Thạch (phường Cam Nghĩa) có 3 sào (3.000m2) đất trồng rau, đủ các chủng loại, sản lượng hàng ngày 50kg, bán cho các chợ trong vùng. Theo ông Thạch, việc đầu tư nhà lưới trồng rau tuy có nhiều ưu điểm nhưng khó thu hồi vốn vì kinh phí cao (200 triệu đồng/1.000m2). Thích hợp nhất là đầu tư giàn lưới, kinh phí chỉ bằng 1/10 nhưng thu hồi vốn nhanh, lại phù hợp với trình độ của nông dân. Nghề trồng rau muốn thành công phải có nguồn nước sạch từ hệ thống thủy lợi, nhưng với Cam Nghĩa, nguồn nước này hiện nay rất khó khăn.

 

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa, hiện nay, việc sản xuất rau trên địa bàn còn manh mún, thiếu bài bản. Cơ sở hạ tầng chưa có gì, đường giao thông vùng trồng rau chủ yếu là đường đất gập ghềnh, khó vận chuyển; một số nơi có kênh mương nhưng nguồn nước chưa bảo đảm; nông dân chủ yếu sử dụng giếng khoan nên chưa đáp ứng việc trồng rau an toàn. Theo đề án chung của thành phố, vùng rau an toàn được đầu tư hạ tầng như: Điện, nước, giao thông… nhưng phải có vốn đối ứng của dân. Song, tâm lý người dân lại muốn Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng nên khó triển khai đại trà.


Ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam cho biết, xã có 40ha nằm trong quy hoạch sản xuất rau an toàn thuộc địa bàn thôn Quảng Hòa. Đây là vùng sản xuất mía nên cũng phù hợp cho việc chuyển đổi. Hiện nay, cơ sở hạ tầng vùng rau dự kiến tương đối tốt, có đường giao thông nội đồng, điện hạ thế, nhưng nguồn nước không đảm bảo. Kênh B26 lấy nước từ hồ Tà Rục mới bắt đầu thi công. Hiện tại, nông dân phải khoan giếng lấy nước nhưng chi phí quá cao, nếu khoan có nước chưa chắc đã đảm bảo cho việc sản xuất. Qua triển khai đề án, người dân đều đồng thuận nhưng xã dự kiến chỉ thí điểm chừng 1ha để rút kinh nghiệm.

 

Sản xuất rau tại tổ dân phố Nghĩa Quý,  phường Cam Nghĩa.

Sản xuất rau tại tổ dân phố Nghĩa Quý, phường Cam Nghĩa.

 

Xã Cam Phước Đông cũng lúng túng khi triển khai Đề án Sản xuất rau an toàn. Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng, tuy thành phố đã hoàn thành đề án, quy hoạch vùng trồng rau an toàn nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được kế hoạch năm 2020. “Chúng tôi rất lúng túng khi triển khai đề án, không biết có bao nhiêu hộ trong vùng quy hoạch và diện tích trên thực địa là bao nhiêu, rồi việc hình thành tổ hợp tác trồng rau an toàn, tổ thủy nông thế nào… Chúng tôi cần sự phối hợp của cơ quan tư vấn để triển khai thuận lợi”, ông Phụng kiến nghị.  


Cần sự đồng thuận

 

Theo quy hoạch, tại các vùng trồng rau an toàn nói trên sẽ hình thành các tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã rau an toàn; đầu tư hệ thống đường giao thông, kênh tưới tiêu, điện lưới, giếng khoan tưới bổ sung mùa hạn; bể thu gom bao bì chất thải nguy hại; nhà lưới, nhà kính, nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm…

Theo Đề án Sản xuất rau an toàn TP. Cam Ranh, đến năm 2020, quy mô diện tích canh tác rau an toàn đạt hơn 15ha. Trong đó, thôn Quảng Hòa (Cam Thành Nam) 4,37ha; thôn Trà Sơn (Cam Phước Đông) 4,63ha và tổ dân phố Nghĩa An (Cam Nghĩa) 6,07ha. Diện tích gieo trồng rau nói chung đạt 50ha; tổng sản lượng 1.000 tấn. Đến năm 2025, diện tích đạt hơn 50ha; diện tích gieo trồng 200ha; tổng sản lượng 4.800 tấn; bình quân thu nhập 360 triệu đồng/ha. Đến năm 2030, diện tích 132ha; diện tích gieo trồng 528ha; tổng sản lượng đạt 13.200 tấn; bình quân thu nhập 500 triệu đồng/ha.


Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, kế hoạch sản xuất rau an toàn năm 2020 căn cứ trên cơ sở Đề án Sản xuất rau an toàn đã được phê duyệt. Sở dĩ hiện nay thành phố chưa ban hành được kế hoạch năm 2020 là do yêu cầu phải lấy ý kiến của người trồng rau trong vùng quy hoạch. Trong khi đó, hầu hết các địa phương vẫn chưa triển khai họp dân. Sau khi có ý kiến người dân, thành phố sẽ hoàn thiện kế hoạch. Trước mắt, thành phố dự kiến thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng nông nghiệp hữu cơ (nhà lưới) do Trạm Khuyến nông Cam Ranh đảm nhiệm tại thôn Trà Sơn (Cam Phước Đông), quy mô 0,5ha, kinh phí 250 triệu đồng. Thành phố đề xuất tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định về đề tài khoa học cấp cơ sở, không quá 200 triệu đồng, số còn lại các hộ dân đối ứng. Mô hình này nằm trong khu vực quy hoạch sản xuất rau an toàn của đề án và được xem như mô hình điểm.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, đề án do người dân trực tiếp làm, cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, hạ tầng, chính sách, giới thiệu sản phẩm… nên cần được người dân tham gia bàn bạc, xây dựng kế hoạch khả thi, sau đó mới hoàn chỉnh để triển khai. Về thí điểm, thành phố dự kiến lựa chọn một số hộ trồng rau liên canh với nhau, có năng lực, kinh nghiệm, hình thành tổ để cùng tham gia sản xuất. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ đầu tư và hỗ trợ tối đa về nguồn lực để các hộ này thực hiện thành công, sau đó nhân rộng.


V.L