12:05, 28/05/2020

Nâng cao chất lượng quả xoài

Giảm từ 5 đến 8 lần phun thuốc sâu bệnh/vụ xoài; hạn chế bệnh thán thư và xì mủ quả, sự gây hại của ruồi đục quả; tỷ lệ trái loại 1 đạt hơn 80%... là kết quả của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bao quả để nâng cao chất lượng quả xoài trên địa bàn huyện Cam Lâm.

Giảm từ 5 đến 8 lần phun thuốc sâu bệnh/vụ xoài; hạn chế bệnh thán thư và xì mủ quả, sự gây hại của ruồi đục quả; tỷ lệ trái loại 1 đạt hơn 80%... là kết quả của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bao quả để nâng cao chất lượng quả xoài trên địa bàn huyện Cam Lâm.


Ông Nguyễn Văn Xuân - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Cây ăn quả xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm cho biết, trước đây, gia đình ông trồng xoài chủ yếu theo tập quán cũ, chưa hiểu biết nhiều về tiến bộ kỹ thuật nên khi quả xoài bị sâu hại thường phun thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

 

Vườn xoài cát Hòa Lộc của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân được thử nghiệm bao quả với nhiều loại túi.

Vườn xoài cát Hòa Lộc của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân được thử nghiệm bao quả với nhiều loại túi.


Năm 2019, 1ha xoài cát Hòa Lộc 12 năm tuổi của gia đình ông được chọn thực hiện mô hình thí điểm áp dụng tiến bộ kỹ thuật bao quả để nâng cao chất lượng quả xoài. Từ đó, cùng với các kỹ thuật viên của nhóm nghiên cứu, vườn xoài của gia đình ông được tư vấn kỹ thuật từ khâu canh thời gian bao, chọn quả, cắt tỉa bớt quả cho đến thu hoạch. Các kỹ thuật viên còn hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây khi đã được bao quả… Nhờ vậy, vườn xoài không còn phải phun thuốc chống ruồi đục quả, quả sau khi thu hoạch đẹp màu hơn, năng suất tuy không cao hơn so với trước nhưng chất lượng xoài loại 1 chiếm tỷ lệ cao từ 80 đến 90% (không bao quả chỉ khoảng 60%) nên giá thành bán ra cao.


Theo tính toán của ông Xuân, 1ha xoài cát Hòa Lộc của gia đình ông trung bình đạt 18.300 quả với sản lượng 7.320kg, mỗi ký khoảng 2 quả. Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc loại 1 có giá 30.000 đồng/kg (chi phí bao 2 quả mất 2.000 đồng); trong khi đó giá 1kg xoài cát Hòa Lộc loại 2 không bao quả chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg. “Nhóm nghiên cứu đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho người dân trên địa bàn về đặc điểm của mỗi loại bao quả khi áp dụng trên những loại xoài khác nhau, thời điểm cần thiết đảm bảo sự phát triển của quả xoài để chất lượng quả đạt cao nhất. Vì vậy, hiện nay, đa số người trồng xoài trên địa bàn xã đều áp dụng việc bao quả xoài, nhằm hạn chế phun thuốc trừ sâu trực tiếp, nâng cao chất lượng quả xoài”, ông Xuân nói.


Kỹ sư Nguyễn Quốc Huy - Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm, chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 mô hình thí nghiệm bao quả trên vườn xoài R2E2 (xoài Úc) và xoài cát Hòa Lộc đang trong thời kỳ cho trái ổn định. Theo đó, sau khi những cây xoài hết rụng sinh lý đợt 2 (35 ngày sau khi đậu quả), nhóm tiến hành tỉa trái (để lại 1 - 2 trái/chùm), phun thuốc Amistar 250 SC, Antracol 70WP phòng trừ bệnh thán thư, sau đó tiến hành bao quả.


Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi thực hiện bao quả, tỷ lệ quả bị bệnh thán thư rất thấp, chỉ dao động từ 4,2 đến 7,7%; trong khi vườn đối chứng không bao quả lên đến 22,4%. Ngoài ra, khi sử dụng túi vải không dệt bao quả, chỉ có 0,4% số quả bị ruồi gây hại do cọ xát túi bị rách, các túi bao quả khác không có sự gây hại của ruồi (vườn đối chứng 10,8 - 12,9% quả bị ruồi gây hại). Năng suất của vườn xoài Úc sau khi bao quả đạt 8.640kg/ha, vườn xoài không bao quả 8.775kg/ha; vườn xoài cát Hòa Lộc có bao quả đạt 7.320 kg/ha, vườn không bao quả 7.400kg/ha. Sở dĩ năng suất đối với vườn bao quả không cao hơn vườn đối chứng do nhóm nghiên cứu đã chủ động lựa chọn những quả đạt yêu cầu trước khi tiến hành bao và loại bỏ những quả kém chất lượng để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả, giúp nâng cao quả loại 1 và hạn chế quả loại 2, loại 3. Cụ thể, khi thực hiện việc bao quả, tỷ lệ quả loại 1 đạt hơn 80,4%, trong khi vườn đối chứng không bao, quả loại 1 chỉ đạt 65,8% ở xoài cát Hòa Lộc; ở vườn xoài Úc, khi bao tỷ lệ loại 1 từ 75,4 đến 83,7%, vườn đối chứng không bao chỉ đạt 60,8%.


Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, việc sử dụng túi bao quả cho xoài cát Hòa Lộc sẽ đem đến lợi nhuận cao hơn cho người làm vườn do tăng sản lượng xoài loại 1 từ 10,8 đến 24,7 triệu đồng/ha so với vườn đối chứng không bao quả. Tuy chi phí ban đầu của việc mua túi bao quả khá cao và tốn công bao quả, nhưng người làm vườn sẽ hạn chế tối đa chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm xoài có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với xoài Úc, việc bao quả sẽ làm mẫu mã quả đẹp hơn nên giá bán trên thị trường cũng cao hơn so với phương thức sản xuất không bao quả. Lợi nhuận cao hơn vườn đối chứng từ 11,9 đến 21,8 triệu đồng/ha. Kỹ sư Huy chia sẻ: “Ưu điểm vượt trội của việc bao quả xoài là: Giảm từ 5 đến 8 lần phun thuốc sâu bệnh/vụ xoài; tránh sự va chạm cơ học do gió gây ra; giảm sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương, hạn chế bệnh thán thư và xì mủ trái; hạn chế sự gây hại của ruồi đục quả; tỷ lệ trái loại 1 đạt cao”.


Các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở đánh giá, kết quả nổi bật của đề tài là nhóm nghiên cứu đã xác định được loại túi bao hiệu quả là túi giấy trắng Đài Loan với độ bền cao cho xoài cát Hòa Lộc; với xoài Úc, bao quả Bikoo là giải pháp tạm thời đạt yêu cầu hay túi giấy vàng Đài Loan… Đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức cho người làm vườn trong việc tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng, góp phần nâng cao mẫu mã, chất lượng và thu nhập cho người trồng xoài.


KHÁNH HÀ