10:05, 11/05/2020

Đảm bảo năng lượng cho phát triển

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn năng lượng tái tạo.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn năng lượng tái tạo.


Nhiều mục tiêu phát triển năng lượng


Dự thảo được xây dựng với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, chất lượng tốt với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm cho hoạt động quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Song song đó, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng hợp lý, triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; chủ động nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại, ưu tiên phát triển nguồn điện hợp lý.

 

Nhân viên điện lực sửa chữa lưới điện.

Nhân viên điện lực sửa chữa lưới điện.


Cụ thể, sẽ phối hợp, thực hiện hoàn thành các quy hoạch nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt nhằm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 10 năm (2021 - 2030), hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáp ứng cho tổng nhu cầu công suất điện đến năm 2030 khoảng 1.380MW; đến năm 2045 khoảng 3.450MW, với tổng sản lượng điện tiêu thụ đến năm 2030 khoảng 7,4 tỷ kWh; đến năm 2045 khoảng 22 tỷ kWh. Phấn đấu đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện sản xuất tại chỗ đạt 3.220MW và khoảng 4.200MW vào năm 2045.


Trong dự thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng nguồn năng lượng đạt khoảng 45% vào năm 2030, 55% vào năm 2045. Đồng thời, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, vận hành linh hoạt, khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải đến khâu phân phối, có khả năng kết nối khu vực. Bảo đảm cung cấp điện an toàn, đạt tiêu chuẩn độ tin cậy và cung cấp điện an toàn, liên tục. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 4% vào năm 2030 (trong đó tiết kiệm điện đạt 2%) và khoảng 10% vào năm 2045.


Sẽ phát triển nhiều nguồn cung năng lượng


Ngay sau khi dự thảo được xây dựng, UBND tỉnh đã triển khai để các sở, ngành góp ý. Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để góp ý dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, sở đã có văn bản gửi các địa phương và đơn vị có liên quan đề nghị góp ý. Đa số các đơn vị thống nhất với nội dung được xây dựng trong dự thảo. Sở dựa vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt và thực tế thực hiện tại địa phương trong những năm gần đây để đưa ra các mục tiêu phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngành Điện sẽ đáp ứng cho tổng nhu cầu công suất điện đến năm 2030 khoảng 1.380MW; đến năm 2045 khoảng 3.450MW. Tổng sản lượng điện tiêu thụ tương ứng đến năm 2030 khoảng 7,4 tỷ kWh; đến năm 2045 khoảng 22 tỷ kWh. Trong số đó, tổng công suất các nguồn điện tại chỗ đến năm 2030 đạt khoảng 3.220MW và năm 2045 đạt khoảng 4.200MW.

 

Sửa chữa đường dây truyền tải điện tại huyện Diên Khánh.

Sửa chữa đường dây truyền tải điện tại huyện Diên Khánh.


Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian qua, nguồn phát điện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, sinh khối đồng phát) gồm: 3 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện đồng phát, 6 nhà máy điện mặt trời. Công suất thực tế của các nhà máy điện được nâng dần qua các năm. Nếu như năm 2017 chỉ sản xuất được 120MW thì năm 2018 tăng lên 127MW và năm 2019 lên tới 340MW. Thời gian tới, Nhà máy Nhiệt điện Sumitomo với công suất 1.320MW và các nhà máy điện mặt trời khác đi vào hoạt động sẽ tạo nên nguồn năng lượng dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Mục tiêu của tỉnh, trong tương lai sẽ phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ; khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng địa nhiệt, gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Điện thực hiện đầu tư hiện đại hóa từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; nâng cao khả năng bảo đảm an ninh mạng lưới điện và chất lượng dịch vụ điện; tích cực thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu, cường độ tiêu thụ và giảm thiểu tối đa tổn thất điện năng.


Đình Lâm