10:03, 22/03/2020

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiếp sức

Với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tụt giảm doanh thu; rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành để vượt qua khó khăn.

Với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ bị tụt giảm doanh thu; rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành để vượt qua khó khăn.

 

Gồng mình ứng phó


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.900 DN, trong đó đa phần là các DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Theo số liệu khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa, DN hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 chiếm 60%. Các DN vận chuyển, vận tải, trường ngoài công lập chiếm 20%; 20% còn lại là các DN hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Với tình hình khó khăn do dịch Covid-19, các đơn vị này đang phải chịu nhiều áp lực, từ sụt giảm doanh thu, chi phí nguyên liệu tăng đến cạn vốn. Trong đó, vốn là vấn đề khó khăn lớn nhất của các DN. Đối với các DN chuyên xuất khẩu, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh ở nhiều mặt. Các hãng tàu container, hãng hàng không trên thế giới bị tắc nghẽn, chậm trễ dẫn đến hàng hóa gặp khó trong vận chuyển; nhiều nhà máy cung cấp nguyên liệu nghỉ làm khiến nguyên vật liệu cung ứng bị chậm trễ hoặc hủy bỏ từ các nước và khu vực như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan...; hàng thủy sản của các DN xuất khẩu thủy sản giảm sản lượng, kéo theo nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của các công ty chuyên sản xuất mặt hàng này cũng giảm sản lượng. Do đó, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tụt giảm khá nhiều.

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Khu du lịch Suối Hoa Lan  đang tạm ngưng đón khách du lịch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Khu du lịch Suối Hoa Lan đang tạm ngưng đón khách du lịch.

 

Để khắc phục, nhiều DN đã chủ động đưa ra các giải pháp như: liên kết, chia sẻ lợi nhuận, thậm chí tăng chiết khấu cho các đối tác, bạn hàng. Bên cạnh hỗ trợ nhau qua mùa dịch, các DN đang tập trung tái cấu trúc, xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tìm thêm thị trường mới và xây dựng nguồn nhân lực… để sau khi hết dịch có thể trở lại sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh. Đơn cử như Công ty TNHH Long Sinh, dù năng lực sản xuất giảm nhưng công ty vẫn không giảm công nhân và cố gắng sắp xếp việc làm, bù lương cho công nhân. Song song đó, công ty chú trọng tiết giảm chi phí điện nước, nhiên liệu chất đốt; chi phí công tác, tiếp khách giảm tối đa. Đặc biệt, DN đã khống chế công nợ, không để xảy ra nợ khó đòi và chi phí lãi vay ngân hàng; theo dõi chặt chẽ chi phí bán hàng và chi phí quản lý tương ứng với doanh thu.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể đưa ra được giải pháp phù hợp cho giai đoạn hiện nay. Ông Cáp Văn Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt cho biết: “Từ đầu tháng 3, ngành hàng sinh phẩm bị ảnh hưởng nặng. Doanh số của công ty giảm đến 50%. Khả năng trong tháng 3 và các tháng tiếp theo, doanh thu sẽ tiếp tục giảm sâu. Chúng tôi đã áp dụng rất nhiều giải pháp song tình hình vẫn chưa thật sự khả quan”.

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt


Cần những chính sách hỗ trợ


Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư, VCCI Khánh Hòa đã nhận được hàng trăm đơn của DN trong tỉnh đề nghị hỗ trợ. Phần lớn các DN xin được giãn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt bằng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay… Ông Vương Vĩnh Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa cho biết, hiện nay, tác động của dịch bệnh đến các DN ngành du lịch, khách sạn nhà hàng và ngành nông lâm, thủy sản khá lớn. Các đơn vị này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về việc giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất; giãn và giảm đóng bảo hiểm xã hội; giảm tiền thuê đất, trong đó có đất khu công nghiệp. Các vấn đề giãn, giảm thuế VAT và thuế thu nhập DN, tăng mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, trợ cấp xuất khẩu cho các DN ngành nông thủy sản... cũng cần được giải quyết ngay. Đây là thời điểm DN rất mong nhận được sự đồng hành của Nhà nước để vượt qua khó khăn.


Được biết, hiện nay, các ngành: Ngân hàng, Thuế, Du lịch, Công Thương đã bắt đầu triển khai việc hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, với những khó khăn trước mắt vẫn cần những giải pháp hữu hiệu hơn. Theo đại diện VCCI Khánh Hòa, thời gian tới, các ngành liên quan cần tiếp tục lấy ý kiến đề xuất của DN và quyết liệt triển khai 7 nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể các nghị định, thông tư để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN; tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời. VCCI cũng đề nghị cơ quan chức năng không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ DN để các đơn vị tập trung nguồn lực phòng, chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh…


Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng VCCI Khánh Hòa, các DN cần tiếp tục chủ động đề xuất, hiến kế phát sinh ở giai đoạn mới cho Chính phủ, chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp ứng phó tại đơn vị và theo dõi, bám sát các gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để được hỗ trợ phù hợp và kịp thời nhất. Trong dài hạn, các DN cần nhanh chóng tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo; thay đổi mô hình kinh doanh, áp dụng chuyển đổi số ở một số bộ phận như: quản lý qua mạng, làm việc từ xa, giao dịch trực tuyến, marketing và bán hàng online… để thích ứng với bối cảnh dịch lan rộng như hiện nay. Đối với DN xuất, nhập khẩu, cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và tìm kiếm khách hàng, tránh tập trung quá nhiều vào một thị trường nhất định thông qua việc nắm bắt kịp thời, khai thác và tận dụng hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại thế hệ mới sắp có hiệu lực.


ĐÌNH LÂM