10:02, 18/02/2020

Thiếu lao động nghề biển

Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lại rơi vào cảnh khan hiếm lao động. Để đủ số người đi biển, nhiều tàu cá phải huy động người nhà, thậm chí người lớn tuổi, phụ nữ để ra khơi.

Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lại rơi vào cảnh khan hiếm lao động. Để đủ số người đi biển, nhiều tàu cá phải huy động người nhà, thậm chí người lớn tuổi, phụ nữ để ra khơi.


Mới đây, tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) đã có hơn 200 tàu khai thác xa bờ của ngư dân trong tỉnh vươn khơi. Một điểm chung dễ nhận thấy là hầu hết tàu cá không đảm bảo số lượng lao động trên tàu, chỉ một số vị trí không thể thiếu như: Thuyền trưởng, máy, còn số lượng thuyền viên hầu hết đều thiếu hụt. Ông Dương Thanh Hùng - chủ tàu cá ở Hòn Rớ cho biết: “Nghề biển bây giờ đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó thiếu lao động là nỗi lo thường trực của các chủ tàu. Tình trạng bạn thuyền lừa chủ tàu, bạn tàu ứng trước tiền của nhiều chủ tàu nhưng không đi làm cho tàu nào diễn ra thường xuyên, nhất là thời điểm sau Tết, chủ tàu nào cũng cần thuyền viên để vươn khơi vì thời điểm này thường đạt sản lượng cao”.

 

Mua bán hải sản ở cảng cá Hòn Rớ.

Mua bán hải sản ở cảng cá Hòn Rớ.


Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng - chủ tàu cá ở Vĩnh Phước (Nha Trang) chia sẻ: “Tàu câu cá ngừ đại dương của gia đình tôi cần ít nhất 6 lao động nhưng chỉ có 4 người cũng phải đi cho kịp chuyến biển. Những tàu lưới vây khơi cần tối thiểu 12 - 16 người nhưng được 10 người cũng đi, thậm chí có nhiều tàu cá phải điều động thêm người nhà đã lớn tuổi cho đủ bạn thuyền, một số tàu cá phải nằm lại bờ do không có lao động đi biển”.


Sau mỗi chuyến biển, trừ chi phí, lãi còn bao nhiêu thì chủ tàu (người đầu tư tàu cá, ngư cụ) được chia 50%, bạn thuyền không tốn chi phí đầu tư được chia 50%. Đối với tàu lưới rê, lưới vây khơi, do chủ tàu phải bỏ chi phí đầu tư cao nên chia theo tỷ lệ chủ tàu 70%, bạn thuyền 30%; những chuyến biển đói, ngoài bù lỗ, chủ tàu phải chi bồi dưỡng 4 - 5 triệu đồng/người để giữ bạn thuyền. Thế nhưng, sau Tết Canh Tý, tình trạng thuyền viên bỏ nghề vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nghề biển vất vả, thậm chí nguy hiểm, trong khi thu nhập thấp so với lao động trên bờ. Nhiều ngư dân lành nghề đã bỏ biển, thanh niên làng biển thì không muốn tiếp nối nghề biển của cha ông.


Không chỉ các tàu khai thác xa bờ mà các tàu cá công suất nhỏ chuyên hoạt động ở vùng lộng, vùng ven bờ cũng thiếu lao động trầm trọng. Ở các làng chài ven biển như: Ninh Hải, Ninh Vân… (thị xã Ninh Hòa), các làng chài ven vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu… những ngày sau Tết, không khó để bắt gặp cảnh phụ nữ cũng theo chồng đi làm nghề biển.  


Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện toàn tỉnh có 9.808 tàu cá, trong đó tàu khai thác xa bờ 1.336 chiếc. Để đảm bảo cho số tàu này hoạt động cần có khoảng 33.000 lao động trực tiếp khai thác trên biển. “Muốn thu hút được lao động nghề biển thì phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập cho người lao động, vì vậy phải nâng cao được hiệu quả chuyến biển. Có một thực tế là trình độ ngư dân hiện nay còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của biển, dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập không cao, vì thế ít người muốn gắn bó với nghề khai thác xa bờ. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang tập trung phát triển, hiện đại đội tàu khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho ngư dân. Bên cạnh đó, việc đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân cũng cần được chú trọng”, ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.


HẢI LĂNG