11:12, 16/12/2019

Các dự án công nghiệp động lực: Sẽ được đôn đốc triển khai

Hiện nay, tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa không thuận lợi, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn

 

Hiện nay, tình hình phát triển công nghiệp (CN) của tỉnh Khánh Hòa không thuận lợi, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 12, cả tỉnh chỉ thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 4.400 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2018 thu hút được 33 dự án, vốn đăng ký hơn 6.653,4 tỷ đồng). Các dự án đầu tư tập trung vào một số khu vực chính như: Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, Khu CN Ninh Thủy, điện mặt trời ở Cam Ranh và Cam Lâm.


Các dự án CN cũng chưa đảm bảo tiến độ thực hiện. Một số dự án lớn như: Khu CN Ninh Thủy, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đang bị chậm do giải phóng mặt bằng, thiếu các hạ tầng đi kèm… Các cụm CN mới thành lập như: Diên Phú - VCN, Trảng É, Sông Cầu… gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp và thuê đất. Thậm chí, Cụm CN và chăn nuôi Khatoco do Tổng Công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng tỷ lệ lấp đầy mới được khoảng 68% diện tích. Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà là do một số cụm CN chưa có điều kiện thực sự thuận lợi, hoặc do ngành nghề thu hút vào các cụm CN còn hạn chế.  

 

Một góc Khu Công nghiệp Ninh Thủy.

Một góc Khu Công nghiệp Ninh Thủy.


Ngoài ra, trong tổng số 30 dự án điện mặt trời được UBND tỉnh phê duyệt, hiện nay chỉ có 6 dự án đi vào hoạt động. Các dự án còn lại chưa giải phóng được mặt bằng, tiếp tục phải đợi chính sách mới về giá điện của Chính phủ, nên tiến độ thực hiện chắc chắn sẽ bị chậm lại. Thậm chí, nếu giá mua điện không được ưu đãi như trước ngày 30-6-2019 thì nhiều dự án sẽ không được triển khai.


Đặc biệt, vấn đề quy hoạch cho khu vực Vân Phong cũng là rào cản không nhỏ. Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, hiện nay, KKT Vân Phong gặp nhiều vướng mắc trong việc quy hoạch phân khu. Có nhiều dự án phù hợp với quy hoạch chung, song chưa có quy hoạch cụ thể nên vẫn còn là ý tưởng. Nếu có quy hoạch phân khu sẽ tạo cơ sở pháp lý để các dự án triển khai, đặc biệt là sản xuất điện khí. Thời gian tới, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ cùng các ban, ngành tháo gỡ khó khăn này, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án.



Tập trung các dự án quan trọng


Theo lãnh đạo Sở Công Thương, năm 2019, chỉ số sản xuất CN của tỉnh vẫn tăng trưởng hơn 7%, đạt và vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, sự tăng trưởng này chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, chỉ số sản xuất CN của cả nước có mức tăng trưởng bình quân 9,1%. Vì vậy, chỉ số sản xuất CN của tỉnh vẫn còn thấp.


Từ thực trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo, trước mắt các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, có tính thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Trong đó, KKT Vân Phong với các dự án Khu CN Ninh Thủy, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong… được xác định là khu vực quan trọng để phát triển CN. Các cụm CN mới như: Sông Cầu, Trảng É, Diên Phú - VCN cũng được tạo điều kiện để sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, 24 dự án điện mặt trời đã được thông qua cũng được xác định là những dự án cần sớm triển khai; bởi khi các dự án này đi vào hoạt động, hàng năm, Khánh Hòa sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia từ 2 tỷ kWh/năm trở lên.


Ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư. Công tác thẩm định hồ sơ sẽ được rút ngắn, tăng hiệu quả của bộ phận một cửa liên thông. Năm 2020, Khánh Hòa được chọn tổ chức sự kiện Đối ngoại quốc phòng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 nên tỉnh sẽ lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư bên lề sự kiện này. Cũng theo ông Hải, trong năm tới, tỉnh sẽ liên kết chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan Trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt thông tin, tình hình kinh tế ở các quốc gia để có phương án xúc tiến đầu tư thích hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành xây dựng và hoàn thành Quy chế quản lý, thu hút đầu tư thứ cấp vào các cụm CN.


Theo ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương, năm 2020, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để lấp đầy các khu CN, cụm CN hiện có, tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành tạo điều kiện để dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 sớm hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời, sang năm 2020, cần có những chính sách thích hợp để đưa các dự án điện mặt trời còn lại sớm xây dựng và đi vào hoạt động; thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng cho các cụm CN: Sơn Bình (huyện Khánh Sơn), Tân Lập (huyện Cam Lâm) và Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa).


Đình Lâm