11:12, 16/12/2019

Các chuỗi liên kết thủy sản gặp khó

Năm 2019, sản lượng khai thác cá ngừ thấp, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thủy sản bị tác động lớn bởi "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), kéo theo các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của tỉnh gặp khó khăn.

Năm 2019, sản lượng khai thác cá ngừ thấp, các doanh nghiệp (DN) thu mua, xuất khẩu thủy sản bị tác động lớn bởi “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), kéo theo các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của tỉnh gặp khó khăn.


Gặp nhiều khó khăn


Mới đây, Chi cục Thủy sản tổng kết, đánh giá hoạt động chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng. Được triển khai từ năm 2017, đây là chuỗi liên kết đầu tiên về thủy sản trên địa bàn tỉnh được xây dựng, thu hút hơn 100 tàu cá tham gia. Hoạt động của chuỗi liên kết được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho ngư dân và tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho DN. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động của chuỗi liên kết đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

 

Sản lượng thủy sản giao dịch, thủy sản khai thác của các chuỗi liên kết trong năm 2019 đạt thấp.

Sản lượng thủy sản giao dịch, thủy sản khai thác của các chuỗi liên kết trong năm 2019 đạt thấp.


Theo báo cáo của Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, khó khăn lớn nhất chuỗi liên kết đang đối mặt chính là sản lượng khai thác sụt giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2017, có tổng cộng 542 chuyến biển được giao dịch, với sản lượng 758 tấn; đến năm 2018, số chuyến biển được giao dịch giảm còn 366, sản lượng còn 336 tấn. Năm 2019, số chuyến biển giao dịch thành công chỉ có 287 chuyến, sản lượng chỉ đạt 328 tấn. Không chỉ vậy, hoạt động của chuỗi còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của “thẻ vàng” mà EC áp dụng đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các lô hàng xuất khẩu vào thị trường này bị giữ lại kiểm tra kỹ, phát sinh chi phí, tổn thất đối với DN. Từ đó, DN phải thắt chặt việc thu mua, những lô hàng không rõ nguồn gốc sẽ bị từ chối, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngư dân.


Chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH T-H và Tổ hợp tác nghề cá Trường Sa, với 10 tàu cá tham gia cũng gặp khó khăn khi sản lượng khai thác cá ngừ đại dương năm nay đạt rất thấp, hoạt động xuất khẩu của DN cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của “thẻ vàng”. Trong khi đó, do chưa tháo gỡ được khó khăn nên trong năm 2019, chuỗi liên kết thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ sọc dưa giữa Công ty TNHH Tín Thịnh và Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước với 25 tàu cá tham gia phải tạm ngưng hoạt động, giao dịch.   

Tìm hướng tháo gỡ


Theo ông Nguyễn Trọng Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng, việc khắc phục “thẻ vàng” của EC, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định thời gian qua đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của ngư dân có sự chuyển biến. Tuy nhiên, những biến động từ nguồn lợi, thị trường đã khiến nghề khai thác thủy sản chịu tác động khá nhiều. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngư dân, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện, khắc phục các khuyến nghị của EC để thị trường này rút lại “thẻ vàng”, từ đó mới thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương. Ngư dân cũng cần tuân thủ kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản đã được hướng dẫn để đảm bảo chất lượng hải sản sau khai thác, từ đó nâng cao giá bán. Ngoài ra, chuỗi liên kết giữa DN và ngư dân cũng cần thêm “trợ lực” từ Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể như Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tác nhân tham gia chuỗi, kể cả DN lẫn ngư dân, bởi hiện nay, các chính sách khuyến khích ngư dân tham gia chuỗi như chế độ khen thưởng, chính sách thu mua cao hơn giá thị trường… đều do DN thực hiện; đồng thời cần hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng lao động trên biển…

 

Hoạt động của chuỗi liên kết gặp khó khăn một phần do sản lượng đánh bắt giảm.

Hoạt động của chuỗi liên kết gặp khó khăn một phần do sản lượng đánh bắt giảm.


Từ thực tế tham gia chuỗi liên kết, ngư dân Lê Quốc Hùng - đại diện Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng chia sẻ, qua 3 năm tham gia chuỗi liên kết, ngư dân đã có đầu ra ổn định, sản phẩm được bao tiêu, được DN hỗ trợ về giá… Vấn đề mà ngư dân mong muốn chính là hiệu quả đánh bắt sẽ tiếp tục được nâng cao, giá bán thủy sản tăng hơn, từ đó mới khuyến khích được các tàu cá tham gia chuỗi liên kết. Để tăng giá thu mua, Chi cục Thủy sản và DN thu mua nhận định mấu chốt nằm ở chất lượng sản phẩm. Vì vậy, sắp tới, chi cục sẽ phối hợp với DN tổ chức tập huấn cho ngư dân trực tiếp sản xuất trên biển về quy trình khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng.


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động của các chuỗi liên kết, chi cục đã xây dựng chính sách hỗ trợ trên cơ sở Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xem xét. Chính sách xây dựng mức hỗ trợ về giá thu mua trong các chuỗi là 2.000 đồng/kg đối với cá ngừ đại dương và 1.000 đồng/kg đối với cá ngừ vằn; hỗ trợ chủ tàu tham gia chuỗi chi phí ra vào cảng, 50% chi phí mua sắm thiết bị; hỗ trợ DN tham gia chuỗi 50% chi phí tham gia quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần quan tâm, tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, từ đó giúp các chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả và bền vững.


HẢI LĂNG