09:11, 11/11/2019

Liên kết sản xuất trái cây sạch

Thời gian qua, "Nhóm phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả" ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công theo hướng sản xuất sạch. Nhờ liên kết với nhau trong tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao hơn, qua đó góp phần tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

 

Thời gian qua, “Nhóm phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả” ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công theo hướng sản xuất sạch. Nhờ liên kết với nhau trong tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao hơn, qua đó góp phần tạo thu nhập ổn định cho gia đình.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng


Diên Thọ là xã có địa hình bán sơn địa, người dân chủ yếu trồng mía và keo. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 loại cây trồng này cho thu nhập không cao nên từ năm 2016, xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nắm bắt được tình hình đó, Hội Phụ nữ xã Diên Thọ đã vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang các loại cây ăn quả như: Bưởi da xanh, mít, chuối, xoài, đu đủ… Ban đầu, chỉ có 5 hội viên tham gia chuyển đổi với 6ha trồng cây ăn quả, các chị gặp không ít khó khăn do thiếu vốn đầu tư để cải tạo đất, mua giống, chưa nắm bắt về kỹ thuật. Do đó, các chị trồng xen các loại cây ăn quả ngắn ngày như: Đu đủ, chuối; các loại rau màu tầng thấp hơn như: Cà chua, bầu, bí, đậu ve, dưa leo... Lấy ngắn nuôi dài, sau 2 năm, các chị thu hẹp diện tích trồng màu và phát triển thêm diện tích trồng cây lâu năm.

 

Vườn bưởi trồng theo hướng sạch của nhà bà Lệ.

Vườn bưởi trồng theo hướng sạch của nhà bà Lệ.


Bà Phan Thị Đẹp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Thọ cho biết, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Diên Khánh thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, nhiều hội viên, phụ nữ có diện tích đất rộng có nhu cầu khởi nghiệp từ kinh tế vườn. Vì vậy, từ một nhóm nhỏ 5 thành viên, Hội Phụ nữ xã đã liên kết, thành lập “Nhóm phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả”, tiếp nhận thêm 7 thành viên mới, nâng tổng số thành viên của nhóm lên 12 người, với tổng diện tích trồng trái cây sạch lên hơn 20ha. Sau khi thành lập, các thành viên trong nhóm được tổ chức hội tạo điều kiện cho vay vốn giải quyết việc làm, đầu tư thêm cho vườn cây ăn quả. Hiện nay, đã có nhiều vườn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho thu hoạch khá.


Trái ngọt ban đầu


Vốn đầu tư sản xuất sạch của nhóm ban đầu khá lớn, hơn 1 tỷ đồng/20ha, song đến nay, có 12ha đã cho thu hoạch nên bắt đầu thu hồi vốn. Hàng năm, nhóm cung cấp ra thị trường hơn 23 tấn trái cây sạch các loại. Đặc biệt, từ tháng 5-2019, sản phẩm của nhóm được bán ở hệ thống Siêu thị Co.opmart Nha Trang. Đây là một bước phát triển của nhóm, khẳng định hướng đi đúng và giá trị của sản phẩm trái cây sạch được xã hội tin dùng.


Bà Võ Thị Lệ (thôn Phước Lương), thành viên của nhóm cho biết, tham gia chuyển đổi cây trồng, bà trồng được 50 gốc bưởi trên diện tích 2.500m2. Từ khi chuyển sang sản xuất sạch, dùng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học cải tạo đất, bà thấy được nhiều cái lợi. Đó là chất lượng bưởi nâng lên, da bưởi bóng đẹp hơn. Đặc biệt, cây bưởi sinh trưởng tốt, ra trái quanh năm. Đây là điều ít thấy khi bón phân hóa học. Từ đó thu nhập cũng tăng cao, nhưng cái lợi nhất là bảo vệ được môi trường, bảo vệ sức khỏe.


Bà Đẹp cho biết, khi đã tham gia vào nhóm, các hội viên đều phải chuyển sang sản xuất sạch. Các thành viên dùng phân chuồng mua từ các trại gà trên địa bàn xã, sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc cây, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu để cải tạo đất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch cho cộng đồng. Các thành viên luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, trái cây bán ra nhiều hơn, được giá hơn, cải thiện thu nhập cho hội viên. Kết quả bước đầu của nhóm đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, chống xói mòn đồi trọc, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Qua đợt kiểm tra 6 tháng đầu năm 2019, nhờ hoạt động hiệu quả nên nhóm đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đây cũng là 1 trong 7 ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đánh giá cao và trao chứng nhận, biểu dương tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2019”.


Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục kết nạp thành viên mới, phát triển diện tích trồng cây ăn quả sạch, tạo thành vùng trồng cây ăn quả chuyên canh, mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây sạch; đồng thời huy động thêm vốn để phát triển kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái vùng quê, tham quan vườn cây và sử dụng sản phẩm trái cây sạch tại chỗ.


Minh Thiết