10:11, 06/11/2019

Hướng dẫn tiêu hủy heo bị dịch bệnh: Chưa phù hợp

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người chăn nuôi có heo bị dịch tả heo châu Phi (ASF) được giữ lại những con heo khỏe mạnh trong cùng ô chuồng với heo mắc bệnh. Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, quy định này đang khiến cho việc khống chế dịch bệnh gặp khó.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), người chăn nuôi có heo bị dịch tả heo châu Phi (ASF) được giữ lại những con heo khỏe mạnh trong cùng ô chuồng với heo mắc bệnh. Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, quy định này đang khiến cho việc khống chế dịch bệnh gặp khó.


"Còn nước còn tát"


Nếu như trước đây, tại hộ chăn nuôi có heo dương tính với ASF, hoạt động tiêu hủy sẽ tiến hành đối với toàn bộ đàn heo của hộ này. Khi ASF diễn ra ở nhiều hộ chăn nuôi hơn, quy mô các đàn heo mắc bệnh ngày một lớn hơn, thì cuối tháng 7-2019, Bộ NN-PTNT đã ban hành hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống ASF. Theo đó, việc tiêu hủy đàn heo chỉ được thực hiện đối với heo đã chết, heo bệnh hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút ASF. Đối với heo khỏe mạnh, các hộ, trang trại chăn nuôi được giữ lại để nuôi hoặc giết mổ.

 

Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại một hộ có heo bị tiêu hủy ở huyện Cam Lâm.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại một hộ có heo bị tiêu hủy ở huyện Cam Lâm.


Hướng dẫn này được cho là phù hợp khi hoạt động tiêu hủy heo với số lượng lớn đang tác động xấu đến lĩnh vực chăn nuôi heo. Nguy cơ thiếu thịt heo trên thị trường là rất lớn nếu áp dụng việc tiêu hủy toàn bộ đàn heo, bất kể heo bệnh hay heo khỏe tại hộ chăn nuôi đã xác định dương tính với ASF. Điều này còn giúp giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi với phương châm “còn nước còn tát”, bởi hiện nay, giá heo hơi tại Khánh Hòa đã chạm ngưỡng 60.000 đồng/kg, trong khi giá hỗ trợ tiêu hủy chỉ 25.000 đồng/kg. Người dân không cho tiêu hủy toàn bộ như trước mà giữ lại những con heo khỏe mạnh với hy vọng con heo đó sẽ không bị nhiễm bệnh.


Những bất cập


Sau hơn 3 tháng triển khai, tại Khánh Hòa, hướng dẫn này đang gây ra một số khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh. Đồng thời, còn gây tốn kém về tiền bạc, thời gian và giảm hiệu quả dập dịch của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhất là khi áp dụng đối với các hộ chăn nuôi heo ở quy mô nông hộ.


Đầu tiên, hướng dẫn này có sự khác nhau về phương pháp xử lý heo khỏe mạnh đối với heo nuôi tại nông hộ và tại trang trại. Tuy nhiên, nuôi bao nhiêu con thì được gọi là nông hộ, hay quy mô đàn heo phải đạt đến con số nào mới được gọi là trang trại thì hiện vẫn chưa có hướng dẫn hay quy định nào. Theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo có tổng thu nhập 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm được xếp vào quy mô trang trại. Tại Khánh Hòa, việc xác định quy mô nông hộ để được hỗ trợ tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi thì đàn heo được xác định quy mô nông hộ là từ 50 con/hộ trở xuống.


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, căn cứ vào tình hình dịch tễ của ASF, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang linh động tính toán, xác định trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi heo, chứ chưa có quy định liên quan đến quy mô đàn để xác định hộ hay trang trại chăn nuôi. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn, cùng với đó là hàng trăm trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp như: CP, CJ… Điểm chung của các trại heo này là quy mô đàn lên tới hàng nghìn con. Các trại này áp dụng quy trình chăn nuôi chặt chẽ, hiện đại, mức độ an toàn sinh học tốt hơn so với nuôi nông hộ. Hệ thống này đang được xếp vào diện trang trại. Số còn lại là những hộ chăn nuôi heo ở mức nhỏ, lẻ, đàn heo phổ biến dưới 200 con/hộ. Những hộ này được xếp vào quy mô hộ chăn nuôi. Theo số liệu, toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000 con heo. Trong đó, ở quy mô trang trại đang chiếm tỷ trọng chủ yếu với khoảng 250.000 con. Số còn lại được chăn nuôi ở quy mô nông hộ. ASF tại Khánh Hòa cũng đang hoành hành ở khu vực chăn nuôi nông hộ.


Một vấn đề khác, đó là quy định chỉ được tiêu hủy đối với heo bệnh, chết, dương tính ASF, nên trong cùng 1 hộ chăn nuôi, lực lượng chức năng phải thực hiện nhiều đợt tiêu hủy. Qua khảo sát tại cơ quan thú y, có nhiều hộ có quy mô đàn chỉ khoảng 50 con heo, nhưng phải trải qua 5 - 6 đợt tiêu hủy theo kiểu phát bệnh tới đâu tiêu hủy tới đó. Theo quy định, Hội đồng tiêu hủy gồm: cán bộ chuyên môn cấp huyện; lãnh đạo cấp xã; thú y huyện, xã; lực lượng hỗ trợ (khuân vác heo lên xe vận chuyển đến nơi tiêu hủy)… mỗi hội đồng ít nhất 7 - 8 người. Qua bảng thống kê chi tiết của một số địa phương, không ít trường hợp các hộ trong ngày chỉ tiêu hủy 1 con heo nhưng hội đồng cũng phải đầy đủ thành phần và thực hiện theo đúng quy trình giống như tiêu hủy 10 con, 100 con. Điều này đang gây tốn kém công sức, tiền của so với tiêu hủy 1 lần.


ASF vẫn đang diễn biến phức tạp ở Khánh Hòa. Các địa bàn, đặc biệt là ở thủ phủ chăn nuôi heo Cam Lâm và Cam Ranh vẫn đang ra sức dập dịch. Theo một số địa phương, quá trình thực hiện tiêu hủy tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là các hộ nuôi khoảng 20 con trở xuống, lực lượng chức năng đều tiến hành vận động hộ tiêu hủy toàn bộ đàn heo để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, do giá heo tăng cao, giá hỗ trợ tiêu hủy thấp nên nhiều hộ không đồng ý.


Hồng Đăng