11:10, 31/10/2019

Giải ngân 10.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm

Chiều 30-10, giải trình trước Quốc hội về một số dự án giao thông trọng điểm đang chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2019, Bộ Giao thông vận tải là 1 trong 3 đơn vị được giao số vốn ngân sách lớn, với số tiền 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải giải ngân số vốn này chậm, một số dự án trọng điểm cũng bị chậm.

Chiều 30-10, giải trình trước Quốc hội về một số dự án giao thông trọng điểm đang chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2019, Bộ GTVT là 1 trong 3 đơn vị được giao số vốn ngân sách lớn, với số tiền 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT giải ngân số vốn này chậm, một số dự án trọng điểm cũng bị chậm.


Cụ thể, Bộ GTVT bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và 14 dự án được Quốc hội giao 15.000 tỷ đồng vào năm 2017. Tới thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã tiến hành bàn giao vốn cho 14 địa phương để giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ các địa phương cam kết, tới tháng 12-2019, sẽ giải ngân được 4.000 tỷ đồng trên tổng số 7.000 tỷ đồng được dùng để giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.


Với 14 dự án cấp bách trong gói 15.000 tỷ, Bộ trưởng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án (đang đấu thầu và đang chuẩn bị mặt bằng). Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và tạm ứng tiền xây lắp.


Trong 3 dự án đầu tư công của cao tốc Bắc - Nam, từ nay tới cuối năm, Bộ GTVT sẽ khởi công thêm 12 gói thầu. Do nhiều công trình tập trung chuẩn bị đầu tư, cuối năm mới khởi công nên một phần kinh phí sau khi khởi công sẽ do nhà thầu tạm ứng, chỉ giải ngân phần xây lắp. Còn phần mặt bằng, các địa phương sẽ tập trung tới cuối năm để hoàn thành.


Về 10.000 tỷ đồng liên quan tới vốn ODA, Bộ trưởng cho biết, một số dự án đã được giao mới như: đường nối từ Lai Châu về cao tốc Hà Nội - Lào Cai hay đường nối từ Nghĩa Lộ vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường nối từ Quốc lộ 19 lên Tây Nguyên đều có kinh phí lớn, nhưng Quốc hội thông qua đưa vào danh mục chậm. Do đó, dẫn đến tình trạng “có vốn nhưng triển khai tương đối chậm”.


“Bộ GTVT quyết tâm giải ngân bằng tỷ lệ chung của cả nước, từ 90 - 95%”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.


T.K