10:09, 11/09/2019

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn xoay vòng

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa đã triển khai, quản lý có hiệu quả các nguồn vốn xoay vòng, giúp hàng trăm hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã triển khai, quản lý có hiệu quả các nguồn vốn xoay vòng, giúp hàng trăm hội viên (HV) thoát nghèo, phát triển kinh tế.


Hiệu quả rõ rệt


Là hộ nghèo của xã, năm 2017, chị Nguyễn Thị Thắm (xã Ninh Trung) được vay 8 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm Ngày phụ nữ nghèo của Hội Phụ nữ xã. Với số vốn này, chị Thắm đã mua giống, thức ăn để nuôi gà thả vườn. Năm 2018, chị tiếp tục được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn quay vòng giảm nghèo để nuôi bò sinh sản. Đến nay, sau hơn 2 năm phát triển chăn nuôi và trồng rau màu, gia đình chị Thắm đã thoát nghèo, kinh tế dần ổn định. Nhận được sự giúp đỡ đúng lúc để vươn lên trong cuộc sống, chị Thắm có thêm động lực và tiếp tục giúp đỡ những HV khác có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã tham gia đóng góp ngày công miễn phí để canh tác cánh đồng lúa giống (do UBND xã cấp đất) nhằm tạo nguồn gây quỹ cho Hội Phụ nữ xã giúp đỡ HV nghèo.

 

Một buổi sản xuất của các thành viên tổ sản xuất hẹ xã Ninh Đông.

Một buổi sản xuất của các thành viên tổ sản xuất hẹ xã Ninh Đông.


Năm 2017, Hội Phụ nữ xã Ninh Đông được cấp trên phân bổ 50 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng giảm nghèo. Hội đã giải ngân cho 10 thành viên trong tổ sản xuất hẹ của xã được tiếp cận vốn để mua giống, mở rộng diện tích. Trong đó, có 4 hộ nghèo, còn lại là HV đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã có 18 lượt HV thuộc tổ sản xuất hẹ được vay vốn, mỗi tháng, Hội Phụ nữ xã lại giải ngân cho 1 - 2 trường hợp. Bà Huỳnh Thị Ngọc Trinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Đông cho biết, sau 2 năm, nguồn vốn xoay vòng giảm nghèo đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho các thành viên tổ sản xuất hẹ xã Ninh Đông. 4 hộ nghèo ban đầu tiếp cận vốn đã thoát nghèo bền vững, nhiều trường hợp làm ăn khá giả, có vốn đầu tư giàn tưới tự động, thuê thêm đất của các hộ và mở rộng diện tích sản xuất. Như trường hợp các chị: Trần Thị Hội, Đỗ Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Thu Thúy… là những hộ cận nghèo, sau khi nhận vốn xoay vòng giảm nghèo đã nỗ lực sản xuất. Hiện nay, các hộ này không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành đầu mối thu mua hẹ và các loại rau tại địa phương để kinh doanh với nguồn thu nhập ổn định.    

   
Hàng trăm hội viên nghèo được giúp vốn


Được biết, năm 2017, Hội LHPN thị xã Ninh Hòa được Hội LHPN tỉnh phân bổ nguồn vốn quay vòng giảm nghèo 500 triệu đồng. Hội LHPN thị xã đã phân bổ nguồn vốn đến 9 xã, phường gồm: Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Phụng, Ninh Sim, Ninh Đông, Ninh Trung, Ninh Sơn, Ninh Quang. Từ khi nhận vốn đến nay, nguồn vốn quay vòng giảm nghèo đã tạo điều kiện cho 321 lượt phụ nữ vay vốn. Riêng 7 tháng năm 2019, nguồn vốn đã giải ngân cho thêm 81 lượt phụ nữ với số tiền hơn 387 triệu đồng. Các cơ sở hội luôn ưu tiên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thiếu vốn làm ăn, các thành viên của tổ hợp tác để phát triển sản xuất như: chăn nuôi bò, heo, gà, trồng mía, hẹ, buôn bán nhỏ… với mức vay tối đa 5 triệu đồng/người.


Bên cạnh đó, những năm qua, việc xây dựng các nguồn vốn xoay vòng được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa phát động, triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau như: nuôi heo đất tiết kiệm; gây quỹ tiết kiệm… Đối với mô hình nuôi heo đất tiết kiệm, đến nay, 27 hội cơ sở trên địa bàn thị xã đã triển khai mô hình này. Định kỳ mỗi năm 2 lần, các đơn vị sẽ đập heo thu vốn và tiến hành bình chọn người để cho vay (dưới 5 triệu đồng/HV). Hiện nay, toàn thị xã cũng đã thành lập hơn 270 tổ tiết kiệm xoay vòng vốn, với số tiền tiết kiệm hơn 16 tỷ đồng. Bình quân mỗi tổ có 10 đến 15 thành viên, huy động vốn từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/HV. Số vốn thu được sẽ cho vay xoay vòng giữa các thành viên không lãi suất hoặc lãi suất thấp.


Bà Phạm Thị Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ninh Hòa cho biết, những nguồn vốn xoay vòng này đã giúp hàng trăm HV có vốn phát triển kinh tế, giải quyết nhiều khó khăn trước mắt; góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn. Trong thời gian tới, cấp cơ sở vẫn tiếp tục hưởng ứng phong trào mỗi chi hội có một hình thức tiết kiệm nhằm giúp đỡ thêm nhiều HV gặp khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; đồng thời từng bước giúp HV phụ nữ hình thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.


MAI HOÀNG