10:08, 19/08/2019

Sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương

Sau hơn 2 năm triển khai, đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam" bước đầu đã cho kết quả khả quan. Thành công của đề tài sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi ốc hương ở Khánh Hòa phát triển bền vững.

Sau hơn 2 năm triển khai, đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam” bước đầu đã cho kết quả khả quan. Thành công của đề tài sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi ốc hương ở Khánh Hòa phát triển bền vững.


Theo Thạc sĩ Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chủ nhiệm đề tài, Khánh Hòa có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi ốc hương. Trung bình mỗi năm, người nuôi trên địa bàn tỉnh cung cấp ra thị trường hơn 4.000 tấn ốc hương, chiếm khoảng 60% sản lượng ốc hương của cả nước. Tuy nhiên, nghề nuôi hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh… Thức ăn cho ốc hương sử dụng thực phẩm tươi sống như: cá, tôm, cua, ghẹ… nên khó kiểm soát lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường.

 

Trước thực trạng đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam”. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, kết quả bước đầu được đánh giá khả quan. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị (quy mô 500kg/mẻ) sản xuất thức ăn cho ốc hương giống và ốc hương thương phẩm. Theo đó, thức ăn công nghiệp cho ốc hương gồm nhiều thành phần như: Bột cá, bột giáp xác, tinh bột và một số loại khoáng chất, vitamin...; đồng thời còn được bổ sung thêm enzym để tăng khả năng tiêu hóa thức ăn của ốc hương, giảm hệ số sử dụng thức ăn và tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, thức ăn công nghiệp đang được nhóm nghiên cứu đưa vào sử dụng thử nghiệm ở một số trang trại nuôi ốc hương thuộc huyện Vạn Ninh. Qua thời gian nuôi cho thấy, ốc tăng trưởng tốt và ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 80%, chất lượng ốc tốt.

 

Ốc hương được nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

Ốc hương được nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

 

Ông Lê Công Ánh Sáng - cộng tác viên đề tài cho biết: “Hiện nay, nuôi ốc hương thường cho ăn thức ăn tươi sống, nên có một số bất lợi về nguồn cung và giá thành không ổn định, đặc biệt dễ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Sau thời gian nuôi thử nghiệm thức ăn công nghiệp, tôi thấy rất tiện lợi, người nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho ốc, nhất là vào mùa biển động. Hơn nữa, chất lượng ốc tốt, ổn định, ốc tăng trưởng, nước nuôi ít ô nhiễm và cho hiệu quả kinh tế cao”.


Theo Thạc sĩ Hoàng Văn Duật - Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Sản xuất và Dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, mục đích của nhóm nghiên cứu là tìm ra nguồn thức ăn tổng hợp, thay thế cá tạp, qua đó giúp người nuôi áp dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất. So với thức ăn tươi, nuôi ốc hương bằng thức ăn công nghiệp phần nào giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, khắc phục được dịch bệnh lây từ thức ăn tươi sang ốc hương. Qua đó, người nuôi hạn chế dùng kháng sinh hay hóa chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu, giúp nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, khi dùng thức ăn công nghiệp còn có thể nâng mật độ nuôi lên gấp 2 - 3 lần so với nuôi bằng thức ăn tươi sống.


Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III vào cuối tháng 7, bà Phạm Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, đề tài này thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Thành công của đề tài góp phần rất lớn cho nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững trên toàn quốc nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Đồng thời, tạo cơ sở để Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều loại thức ăn công nghiệp cho các đối tượng thủy sản khác, góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản ở nước ta.


KHÁNH HÀ