09:07, 04/07/2019

Điểm kinh doanh thực phẩm an toàn: Sẽ phát triển theo hướng mới

Từ 3 điểm được thí điểm vào năm 2016, đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 27 điểm kinh doanh thực phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản triển khai. Sắp tới, các điểm sẽ có hướng đi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

Từ 3 điểm được thí điểm vào năm 2016, đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 27 điểm kinh doanh thực phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản triển khai. Sắp tới, các điểm sẽ có hướng đi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.


Người tiêu dùng yên tâm


Với mục đích giới thiệu các điểm kinh doanh thực phẩm nông lâm và thủy sản an toàn đến người tiêu dùng, từ năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tổ chức, triển khai lựa chọn, tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở đăng ký xác nhận sản phẩm an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ 3 cơ sở triển khai thí điểm năm 2016, đến nay, toàn tỉnh đã có 27 điểm kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn với nhiều mặt hàng như: gạo, rau, củ, quả, thịt, nem chua, chả lụa, hải sản khô… Trong đó, TP. Nha Trang có 19 cơ sở, thị xã Ninh Hòa 3 cơ sở, huyện Diên Khánh 2 cơ sở, huyện Vạn Ninh 2 cơ sở và TP. Cam Ranh 1 cơ sở. Các sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn tại các điểm này đều được dán tem xác nhận, qua đó để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Ngoài ra, năm 2017, chi cục còn lựa chọn 2/27 cơ sở (siêu thị 3F, siêu thị Co.opmart Nha Trang) để thực hiện thí điểm dán tem truy xuất điện tử thông minh nhằm giúp cửa hàng quản lý thông tin sản xuất nội bộ và quảng bá thương hiệu trực tiếp đến người tiêu dùng. Tại 2 cơ sở này, người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

 

Người dân mua sản phẩm được dán tem xác nhận an toàn tại cơ sở hải sản khô Sáu Oanh.

Người dân mua sản phẩm được dán tem xác nhận an toàn tại cơ sở hải sản khô Sáu Oanh.


Những cửa hàng thực phẩm có xác nhận an toàn đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, giúp khách hàng yên tâm hơn khi lựa chọn thực phẩm. Tuy nhiên, theo một số cửa hàng, phần đông khách hàng vẫn chưa thật sự quan tâm đến sản phẩm được dán tem. Bà Nguyễn Lê Kim Oanh - chủ cơ sở kinh doanh hải sản khô Sáu Oanh (đường Hoàng Hoa Thám, TP. Nha Trang) cho biết: “Cửa hàng có gần 50 mặt hàng nhưng có 5 sản phẩm dán tem xác nhận là sản phẩm an toàn theo chuỗi. Phần lớn khách hàng quan tâm giá cả, ít quan tâm tới tem xác nhận. Họ cũng không so sánh vì sao mặt hàng này được dán mà sản phẩm khác lại không; hoặc trước đây có dán nay lại không dán…”. Do khách hàng ít quan tâm nên một số cơ sở cũng không thường xuyên dán tem. Theo chi cục, khi sử dụng hết số tem được cấp, các cơ sở sẽ đăng ký để in thêm tem (tem cấp lần đầu là 2.000 tem/cơ sở). Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, đến nay mới chỉ có 1 cơ sở đăng ký in thêm, các cơ sở khác thông báo vẫn còn tem.


Sẽ kết hợp 2 loại tem


Ông Chu Đức Hùng - Trưởng phòng Chế biến thương mại nông sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) nhận định, thời gian qua, mức độ quan tâm của người tiêu dùng về sản phẩm được dán tem chứng nhận an toàn chưa cao; tem xác nhận vẫn chỉ là tem thường, không có thông tin về sản phẩm nên chưa gây chú ý với người tiêu dùng. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm an toàn được xác nhận, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm tại các điểm kinh doanh để phân tích các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Theo đó, năm 2017, chi cục đã lấy 69 mẫu, năm 2018 lấy 36 mẫu, từ đầu năm đến nay lấy 21 mẫu. Kết quả các mẫu đều đạt yêu cầu theo quy định.


Bên cạnh đó, chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động quảng bá thương hiệu, liên kết tiêu thụ và hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ sản phẩm an toàn được chứng nhận tại các phiên chợ thực phẩm an toàn, phiên chợ nông sản; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về các sản phẩm nông nghiệp sạch… Chi cục cũng thực hiện dán tem điện tử tại nơi sản xuất đối với tỏi Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) và sầu riêng Khánh Sơn. “Dán tem điện tử tại nơi sản xuất là hướng đi mới phù hợp với thực tiễn hiện nay để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi; đồng thời các cơ sở sản xuất có thể bảo vệ được uy tín sản phẩm của họ, đơn vị kinh doanh cũng tiết kiệm thời gian, nhân công. Đối với các điểm kinh doanh thực phẩm được xác nhận an toàn, chi cục có chủ trương sẽ kết hợp tem xác nhận với tem truy xuất nguồn gốc điện tử để khách hàng vừa tra cứu thông tin của sản phẩm (ngày giờ và nơi sản xuất, đơn vị phân phối) vừa nhận biết đó là sản phẩm đã được xác nhận an toàn. Sắp tới, chi cục sẽ tổ chức họp 27 điểm kinh doanh thực phẩm được xác nhận an toàn để triển khai vấn đề này”, ông Hùng nói.


MAI HOÀNG