10:07, 05/07/2018

Gỡ khó cho trả nợ vay tàu 67

Tại buổi làm việc của ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa với ngành Ngân hàng mới đây, các NH đã báo cáo thực trạng một số ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 không trả được nợ đúng hạn, phát sinh nợ xấu, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tìm hướng xử lý.

 

Tại buổi làm việc của ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa với ngành Ngân hàng (NH) mới đây, các NH đã báo cáo thực trạng một số ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định (NĐ) 67 không trả được nợ đúng hạn, phát sinh nợ xấu, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tìm hướng xử lý.


Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa, chi nhánh cho vay 20 tàu, đến nay, đã có 1 trường hợp phát sinh nợ quá hạn và chắc chắn sẽ phát sinh nợ xấu trong thời gian tới. Trong điều kiện sản lượng khai thác thủy sản giảm sút như hiện nay, ngư dân gặp khó khăn khi trả nợ NH, vì thế, Agribank kiến nghị Nhà nước cần có sự hỗ trợ ngư dân trong trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan như nguồn lợi thủy sản sụt giảm. Bà Lâm Thị Nguyệt Oanh - Phó Giám đốc BIDV Khánh Hòa cho biết, đến nay, có 3 tàu vay vốn của chi nhánh đã phát sinh nợ xấu (chi nhánh cho vay đóng mới 9 tàu và cải hoán 1 tàu). NH làm việc với các chủ tàu để bàn biện pháp tháo gỡ, làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý phù hợp. Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu, các NH đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp với NH khi thực hiện quản lý, thu giữ tàu cá hoặc hoán đổi chủ tàu.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, theo quy định của NĐ 67, chủ tàu vay vốn được ân hạn 1 năm (chưa phải trả nợ), tuy nhiên thời gian đóng tàu, chạy thử thường kéo dài hơn 12 tháng, thời gian này tàu vẫn chưa đi vào hoạt động nên khách hàng chưa có nguồn tích lũy để trả nợ. Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay, nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả do nguồn lợi thủy sản giảm sút, thời tiết không thuận lợi… nên nhiều chủ tàu không có khả năng trả nợ NH khi đến hạn. Tuy nhiên, theo quy định của NĐ 67, khách hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ do các nguyên nhân trên sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Ngày 2-2-2018, Chính phủ ban hành NĐ 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67, quy định Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng phát sinh từ thực tế triển khai được hưởng cơ chế xử lý rủi ro theo quy định tại NĐ 67 tại Khoản 13 Điều 1. Các NH đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính sớm triển khai quy định trên nhằm tạo điều kiện cho ngư dân có khả năng trả nợ NH.

 

Một tàu cá vay vốn theo Nghị định 67.

Một tàu cá vay vốn theo Nghị định 67.

 

Về các kiến nghị của NH, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tham gia phối hợp với NH trong trường hợp phải xử lý nợ. Với những trường hợp rủi ro không được hỗ trợ lãi suất theo quy định hiện hành, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa báo cáo NHNN Việt Nam và tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung các trường hợp thuộc diện hỗ trợ lãi suất.


Trước thực tế phát sinh nợ xấu của các chủ tàu theo NĐ 67, ông Lê Thanh Quang yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với NHNN Chi nhánh Khánh Hòa và các NH bàn giải pháp tháo gỡ. Mới đây, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT chủ trì cuộc họp với đại diện các đơn vị liên quan và các chủ tàu vay vốn tại BIDV Khánh Hòa. Tại cuộc họp, các chủ tàu đã nêu những khó khăn trong khai thác thủy sản đã ảnh hưởng đến việc trả nợ NH đúng hạn. Lãnh đạo BIDV Khánh Hòa đã đề xuất biện pháp hỗ trợ theo hướng: trong năm 2018, các khách hàng tập trung trả các khoản nợ đang quá hạn, nợ xấu (tính đến ngày 25-6-2018); riêng các khoản nợ sắp đến hạn trả trong năm 2018, NH sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để thu hồi nợ trong năm 2019. Kết luận cuộc họp, ông Lê Tấn Bản đề nghị các chủ tàu cần phải nâng cao trách nhiệm, phối hợp với NH thực hiện phương án xử lý nợ xấu, nợ quá hạn để vừa trả nợ cho NH vừa tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản. BIDV Khánh Hòa xây dựng phương án xử lý nợ cụ thể để thông báo cho các ngư dân biết, trong đó, cần cụ thể lộ trình và mức trả hàng tháng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu; cụ thể các quy định, quy trình xử lý, cơ chế xử lý nợ vay... theo quy định của pháp luật để ngư dân biết triển khai thực hiện. Các cơ quan liên quan sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ NH trong xử lý nợ vay theo NĐ 67.


NAM DU