10:05, 07/05/2017

Khó liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản

Hiện nay, nhiều chủ tàu khai thác thủy sản, chủ đìa nuôi trồng thủy sản phải tiêu thụ sản phẩm của mình thông qua nậu, vựa với giá thấp hơn so với bán trực tiếp cho nhà máy. Tuy vấn đề liên kết để tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho người dân đã được triển khai nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.  

Hiện nay, nhiều chủ tàu khai thác thủy sản, chủ đìa nuôi trồng thủy sản phải tiêu thụ sản phẩm của mình thông qua nậu, vựa với giá thấp hơn so với bán trực tiếp cho nhà máy. Tuy vấn đề liên kết để tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho người dân đã được triển khai nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.  
 
Ông Lê Quang Vinh (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) có hơn 2ha ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi vụ nuôi, ông xuất bán khoảng 30 tấn tôm, nhưng cứ qua 1 cấp trung gian mất chừng 1.000 - 2.000 đồng thì số thất thu của ông lên đến hàng chục triệu đồng. Ông cho biết: “Hiện nay, việc tiêu thụ tôm nuôi của người dân chủ yếu qua kênh thương lái, đầu nậu chứ chưa thể bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu được. Như ở Cam Hải Tây, chúng tôi phải bán tôm nuôi qua nhiều cấp trung gian, cứ qua 1 cấp trung gian thì mất vài giá, vì vậy hiệu quả con tôm mang lại cho nông dân không cao. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ nông dân trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm trực tiếp đến nhà máy”. 
 
Trong khi đó, một số chủ tàu khai thác cá ngừ sọc dưa cập bờ tại Cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) chia sẻ, do phải ứng vốn từ các nậu, vựa để chuẩn bị nhu yếu phẩm, ứng trước tiền cho bạn thuyền mỗi chuyến khoảng 150 triệu đồng nên khi về bờ, họ phải bán lại cá cho các nậu vựa, dù giá thấp hơn so với giá thị trường. “Tuy biết bán cho nậu vựa thì chúng tôi thua thiệt, nhưng do khó khăn về vốn lưu động nên chúng tôi phải ứng tiền - bán cá, mối liên hệ giữa chủ tàu với nậu vựa thu mua vì vậy cứ tồn tại mãi”, ông Nguyễn Phước Thiên - ngư dân ở Hòn Rớ nói. 
 
Ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân tích: “Hiện nay, nhiều nông dân không tiếp cận được các công ty để bán sản phẩm thủy sản nuôi với giá tốt nhất mà phải qua đầu mối trung gian, bởi doanh nghiệp (DN) không đến từng hộ để thu mua một vài tấn thủy sản được mà cần mua với số lượng lớn. Để giúp nông dân tiếp cận nhà máy, chúng tôi đã vận động người dân thành lập các tổ cộng đồng vùng nuôi, cùng thả giống, cùng tổ chức sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…; đồng thời xuất bán sản phẩm trực tiếp cho DN với sản lượng lớn”. Cũng theo ông Khánh, đầu nậu thu mua luôn tồn tại bởi trong quá trình nuôi, nếu gặp sự cố thì không thể bán cho nhà máy chế biến được, mà đầu nậu chính là những người xử lý đầu ra cho người nuôi. Ngoài ra, các đầu nậu còn là nơi đầu tư thức ăn, thuốc thú y thủy sản cho nông dân nên sau khi thu hoạch, người nuôi thường bán sản phẩm cho đầu nậu. 
 
Việc tiêu thụ thủy sản của ngư dân hiện nay chủ yếu dựa vào nậu, vựa
Việc tiêu thụ thủy sản của ngư dân hiện nay chủ yếu dựa vào nậu, vựa
 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 1.780 tấn, sản lượng thủy sản đánh bắt đạt hơn 29.000 tấn. Việc thu mua, cung cấp nguyên liệu cho các DN chế biến thủy sản xuất khẩu chủ yếu dựa vào các vệ tinh là một số nậu, vựa, DN nhỏ, việc thỏa thuận giá cả giữa người nuôi và người mua phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nông dân thường bị thua thiệt về giá khi bán qua các cấp trung gian này. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi và người thu mua sản phẩm thủy sản, thông qua các chính sách, chương trình khuyến nông, các dự án về thủy sản, ngành Thủy sản tỉnh đã tăng cường việc tuyên truyền, tạo mối liên kết giữa DN chế biến thủy sản với người nuôi; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ thủy sản… Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo phân phối hài hòa lợi ích từ khâu nuôi đến khâu lưu thông tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, nhu cầu về nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở này rất lớn, trong khi nguồn nguyên liệu cung cấp phục vụ chế biến xuất khẩu chỉ mới đáp ứng được một phần. Để tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho người nuôi trồng, khai thác, vấn đề liên kết đã được triển khai trong thời gian qua. Trong khai thác thủy sản có các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương của các tổ đội sản xuất với các DN chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu như: Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Hải Vương. Trong nuôi trồng thủy sản, một số nguyên tắc cơ bản trong mua bán tôm giữa người nuôi và DN chế biến đã được ký kết. Tuy nhiên, vấn đề liên kết trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản vẫn còn một số tồn tại cần được giải quyết. Cụ thể, mối liên kết giữa DN chế biến với người nuôi, người khai thác thủy sản khá lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên với nhau. Điều này đã dẫn đến việc DN và người dân phá vỡ hợp đồng tiêu thụ khi có biến động về giá, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, vai trò của Nhà nước, nhà khoa học trong liên kết “4 nhà” cũng còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
 
HẢI LĂNG