11:08, 08/08/2022

Diễn đàn trí thức lần thứ nhất, năm 2022: Tìm giải pháp cho chuyển đổi số

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn trí thức lần thứ nhất, năm 2022 với chủ đề "Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số tại tỉnh Khánh Hòa", nhằm tìm kiếm giải pháp cho tỉnh về công tác này.

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn trí thức lần thứ nhất, năm 2022 với chủ đề “Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số (CĐS) tại tỉnh Khánh Hòa”, nhằm tìm kiếm giải pháp cho tỉnh về công tác này.


Theo khảo sát của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Khánh Hòa là trung tâm kinh tế khu vực Nam Trung Bộ, song công tác CĐS còn chậm, xếp vị trí 42 về chỉ số CĐS (DTI) toàn quốc. Nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đầy đủ; việc tích hợp dữ liệu chia sẻ chậm; tài nguyên số chưa được khai thác hiệu quả; tỷ trọng đầu tư công nghệ của khối doanh nghiệp, thương mại điện tử còn thấp…


Tuy du lịch là thế mạnh của tỉnh nhưng công tác CĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, ngành du lịch vẫn chưa có kho dữ liệu tổng hợp để phục vụ công tác chỉ đạo cũng như chưa có cơ chế bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu hay cơ chế siết chặt kỷ luật dữ liệu đảm bảo thông tin thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu còn riêng rẽ, chưa liên thông, đồng bộ…


Theo ông Nguyễn Tri Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học tỉnh, hiện nay, cùng với cả nước, Khánh Hòa có nhiều nỗ lực để thực hiện CĐS. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 16 về CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu cao hơn so với mức trung bình cả nước. Cụ thể như: Về chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến năm 2025 có 100% dịch vụ công được cung cấp; về kinh tế số, đến năm 2025 có 100% đơn vị nhà nước, hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dịch lên nền tảng số…


Theo kế hoạch, mục tiêu CĐS của tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Khánh Hòa vào top 25 tỉnh, thành phố đứng đầu về CĐS, năm 2030 vào top 20... Dự kiến trong năm 2022 và những năm tới, tỉnh triển khai 51 dự án, nhiệm vụ phát triển chính quyền số. Cụ thể như: Khảo sát, lập và trình đề án CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 của các ngành quan trọng; lập đề án thí điểm mô hình đô thị thông minh tại Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, Ninh Hòa; triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC); hệ thống bảo vệ website trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh… Điều này cho thấy hành động rất quyết liệt của tỉnh trong nỗ lực CĐS.


Tại diễn đàn, 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin là Viettel và VNPT đề xuất nhiều giải pháp giúp tỉnh đẩy nhanh tiến trình CĐS như: Tập trung phát triển hạ tầng số; hạ tầng thương mại điện tử; xây dựng chiến lược dữ liệu, kho dữ liệu dùng chung; thúc đẩy Trung tâm Giám sát điều hành đi vào hoạt động; xây dựng nền tảng giao thông thông minh; triển khai ứng dụng công dân số; thành lập Tổ công nghệ cộng đồng; ban hành các chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tham gia CĐS…


Về cơ sở, lộ trình của quá trình CĐS, tỉnh cũng đã xây dựng song vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Ông Nguyễn Đắc Tài - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa cho biết: Đây là diễn đàn đầu tiên về CĐS nhằm lấy ý kiến của giới trí thức, các ngành, địa phương về CĐS, sẽ còn nhiều diễn đàn tiếp theo tập trung cho công tác này. Qua diễn đàn có thể đúc kết một số nội dung liên quan để tham mưu đề xuất với tỉnh định hướng về CĐS trong thời gian tới như: Nền tảng của CĐS; lực lượng tham gia; cơ chế, chính sách, nguồn chi cho CĐS; xây dựng đô thị thông minh..., Khánh Hòa cần có cách tiếp cận toàn diện, mới mẻ, hướng tới phát triển mạnh mẽ theo định hướng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…


V.L