10:05, 09/05/2021

TV Hàn Quốc thống trị thị trường Việt

Samsung và LG chiếm gần 60% thị phần TV tại Việt Nam và luôn giữ hai trong ba vị trí dẫn đầu từ nhiều năm qua.

Samsung và LG chiếm gần 60% thị phần TV tại Việt Nam và luôn giữ hai trong ba vị trí dẫn đầu từ nhiều năm qua.

Trong 3 vị trí dẫn đầu trên thị trường TV trong nước những năm gần đây, luôn có sự xuất hiện của Samsung và LG - hai thương hiệu tới từ Hàn Quốc. Tổng thị phần của hai hãng này luôn đạt từ 50 đến 60% kể từ năm 2015. Năm 2020, riêng Samsung - nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới - đã chiếm gần 41% thị phần tại Việt Nam. Trong khi đó, đối thủ đồng hương LG giữ gần 20% thị phần, xếp sau Sony.

 

 TV Hàn Quốc đa dạng mẫu mã, chủng loại từ giá rẻ đến các mẫu cao cấp như LG W7 OLED (trong hình) siêu mỏng giá 300 triệu đồng khi ra mắt.

TV Hàn Quốc đa dạng mẫu mã, chủng loại từ giá rẻ đến các mẫu cao cấp như LG W7 OLED (trong hình) siêu mỏng giá 300 triệu đồng khi ra mắt.



Các thương hiệu TV Nhật Bản có đồ thị thị phần đi xuống bắt đầu từ 5 năm trước. Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường, năm 2014, các hãng TV Nhật chiếm 49% thị phần. Năm 2015, tụt xuống còn 40%. Năm 2016 là 37%. Con số này tiếp tục giảm đến năm 2020. Sony là "con sói đơn độc" khi là đại diện duy nhất tới từ "đất nước mặt trời mọc" đạt hơn 20% thị phần. So với năm 2019, năm 2020, hãng cũng giảm nhẹ, từ 24% xuống còn khoảng 21% thị phần, trong khi Samsung và LG đều tăng 2%.

TV thương hiệu Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong vài năm qua - "chiếm" lại thị phần từ các hãng Nhật Bản. Trong đó, TCL là hãng bán tốt nhất -trên dưới 8%. Năm 2020, hãng này tăng trưởng từ 7,5 lên 8,9% thị phần.

Thị trường TV Việt Nam phản ánh đúng thực tế diễn ra tại thị trường thế giới khi những "biến cố" bắt đầu xảy ra với các hãng TV Nhật Bản từ năm 2015. Toshiba bán một phần mảng kinh doanh cho một công ty Đài Loan, rút hoàn toàn khỏi thị trường trọng điểm Bắc Mỹ. Cùng thời điểm, Panasonic rút dần khỏi thị trường TV thế giới. Gần đây, hãng này cũng đóng nốt nhà máy sản xuất TV giá rẻ tại Việt Nam và hiện chỉ bán TV ở quê nhà Nhật Bản.

Peter Richardson, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, sai lầm về chiến lược đã dẫn đến kết quả không mong muốn của các hãng Nhật Bản. Sony, Panasonic chú trọng chất lượng nhưng lại không đủ năng lực sản xuất các tấm nền màn hình LED, LCD chất lượng cao, công nghệ mới. "Họ không có khả năng đem lại sự khác biệt, không còn tạo ra được những sản phẩm với chất lượng vượt trội, nhưng cũng không tạo sản phẩm tốt giá phải chăng", ông nói.

 

Tại sao TV Hàn Quốc "thắng thế"?
 

Những công nghệ TV mới nhất đều thuộc về người Hàn Quốc.

Những công nghệ TV mới nhất đều thuộc về người Hàn Quốc.


Theo anh Nguyễn Huy, đại diện một hệ thống siêu thị điện máy, giá cả hấp dẫn, mẫu mã đẹp và chính sách bán hàng tốt đã đưa TV Hàn Quốc lên ngôi những năm qua. TV Samsung, LG có sản phẩm trải khắp các phân khúc, từ vài triệu đồng đến hàng tỷ đồng. "Các năm trước, giá TV Hàn Quốc rẻ hơn từ 20 đến 30% so với TV thương hiệu Nhật với cùng kích thước và độ phân giải", anh nói.

Sự đa dạng về mẫu mã mang lại cho người dùng nhiều lựa chọn hơn. Samsung và LG đã chia làm nhiều dòng, từ giá rẻ đến cao cấp. Mỗi dòng lại có nhiều lựa chọn kích thước màn hình. Ngoài TV phổ thông, hai hãng này còn có những model TV kiểu dáng khác biệt, như model "dán tường" của LG, hay loạt TV khung tranh The Frame, The Serif hay The Sero của Samsung. "Đa dạng sản phẩm giúp TV Hàn Quốc lấy lòng khách hàng dễ hơn", anh Huy nói.


Trần Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực nghe nhìn, cho biết sau nhiều năm, quan niệm tiêu dùng của người Việt đã thay đổi. "TV không còn là tài sản trong nhà như trước mà trở thành một món đồ 'decor' cho ngôi nhà. Những người trẻ tuổi thích công nghệ mới, thích trang trí nhà cửa sẽ chọn TV Hàn Quốc thay vì các sản phẩm Nhật Bản đơn điệu.

Theo vnexpress