07:10, 21/10/2020

Brazil dùng da cá chữa bỏng cho động vật hoang dã

Các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp điều trị bỏng sáng tạo bằng da cá rô phi để cứu động vật trong thảm họa cháy rừng ở Pantanal.

Các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp điều trị bỏng sáng tạo bằng da cá rô phi để cứu động vật trong thảm họa cháy rừng ở Pantanal.

 

Động vật bị thương trong các vụ cháy ở Pantanal được chữa trị bằng da cá rô phi.

Động vật bị thương trong các vụ cháy ở Pantanal được chữa trị bằng da cá rô phi.


Phương pháp chữa bỏng - được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Liên bang Ceara (UFC) của Brazil - sử dụng da cá rô phi đã khử trùng để đắp trực tiếp lên vết thương. Da cá rất giàu collagen, giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành và phát triển da mới.

Nhóm nghiên cứu đã mang 130 mảnh "băng sinh học" đến Pantanal, vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới, trong nỗ lực cứu động vật bị thương sau thảm họa cháy rừng lịch sử. Khoảng 40 con vật đang được chữa trị bằng da cá, trong đó có những loài thú lớn như hươu và động vật bò sát như rắn.

Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được sử dụng trên động vật hoang dã ở Brazil, nhưng trước đây, nhóm nghiên cứu từng mang "băng sinh học" đến California để chữa trị cho những con gấu bị thương trong các vụ cháy ở Bờ Tây nước Mỹ.

Bên cạnh việc cứu động vật, nhóm nghiên cứu còn đào tạo các bác sĩ thú y địa phương về phương pháp điều trị bỏng mới, với sự hỗ trợ từ chiến dịch gây quỹ cộng đồng có tên là Pantanal em Chamas do tổ chức phi chính phủ Ampara Silvestre tổ chức.

Theo dữ liệu vệ tinh của Đại học Liên bang Rio de Janeiro của Brazil, khoảng 1/4 diện tích Pantanal đã bị thiêu rụi bởi cháy rừng. Trong khi thảm thực vật có thể tái sinh nhanh chóng nếu gặp mưa, những động vật sống sót sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như mất môi trường sống, thiếu thức ăn và nước uống. Các đám cháy ở Pantanal bắt đầu bùng cháy dữ dội từ tháng 7 và kéo dài đến hết tháng 9.

Theo vnexpress