09:04, 06/04/2020

Mỹ thử nghiệm thành công vaccine ngừa SARS-CoV-2 trên chuột

Vaccine có tên gọi là PittCoVacc sẽ kích thích một phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở những mức độ có thể ngăn chặn sự nhiễm bệnh.

Vaccine có tên gọi là PittCoVacc sẽ kích thích một phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở những mức độ có thể ngăn chặn sự nhiễm bệnh.

 

Theo tờ USA Today, nhóm nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) ngày 2/4 đã công bố công trình nghiên cứu của họ trên tạp chí y khoa truy cập mở hàng đầu EbioMedicine. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã thử nghiệm thành công vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trên chuột và tin tưởng có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Các nhà khoa học nói trên cho biết đã tăng tốc phát triển loại vaccine phòng bệnh COVID-19 tiềm năng này sau khi tiến hành nghiên cứu trên những chủng virus Corona khác gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Phó giáo sư Andrea Gambotto thuộc Đại học Pittsburgh nêu rõ 2 chủng virus kể trên có liên quan chặt chẽ với virus SARS-CoV-2 và việc nghiên cứu 2 chủng này cho thấy một loại protein đặc biệt- được gọi là protein dằm- đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích miễn dịch chống lại virus này.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa



Thử nghiệm trên chuột cho thấy loại vaccine đã sản sinh ra hàng loạt kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong 2 tuần.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Pittsburgh lưu ý do quá trình thử nghiệm trên chuột chưa đủ dài nên vẫn còn quá sớm để khẳng định việc liệu có phản ứng miễn dịch chống COVID-19 không và có thể kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, những thí nghiệm so sánh trên chuột với loại vaccine thử nghiệm phòng MERS cho thấy cơ thể chuột thí nghiệm sản sinh ra một lượng kháng thể vừa đủ để phòng virus trong ít nhất một năm.

Cho tới nay, mức độ kháng thể của chuột thí nghiệm loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 cũng gia tăng cùng xu hướng.

Ông Louis Falo, Giáo sư kiêm Trưởng Khoa Da liễu ĐH Pittsburgh, cho rằng thời gian để tiến tới các thử nghiệm lâm sàng với vaccine này có thể là một hoặc 2 tháng nữa.

Tuy nhiên, Giáo sư David O'Connor của Trường Y khoa và Sức khỏe cộng đồng ĐH Wisconsin đánh giá thận trọng về kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học tại ĐH Pittsburgh: “Hiện có rất nhiều ứng cử viên vaccine đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau”.

Theo ông O'Connor, việc kết quả thu nhận được cho thấy một vaccine có thể tạo ra được phản ứng miễn dịch là "bước quan trọng đầu tiên để xác minh những loại vaccine nào nên được tiếp tục phát triển, nhưng vẫn chỉ là bước đầu tiên trong rất nhiều bước cần thiết để có được một vaccine hữu dụng. Nghiên cứu này đã chỉ ra một vài trong số những dữ liệu bước đầu đó”.

Theo chinhphu.vn