02:01, 17/01/2009

Thiết bị tiết kiệm 35% - 40% gas

Thiết bị giúp đốt cháy triệt để nhiên liệu, tăng khả năng đốt nóng giúp thức ăn nhanh chín, giảm lượng khí độc hại thải ra môi trường...

Kỹ sư Lê Tiến Thắng (phải) hướng dẫn sử dụng thiết bị tiết kiệm gas tại Chi hội Từ thiện Bảo Hòa.

Thiết bị giúp đốt cháy triệt để nhiên liệu, tăng khả năng đốt nóng giúp thức ăn nhanh chín, giảm lượng khí độc hại thải ra môi trường. Mỗi ngày, Chi hội Từ thiện Bảo Hòa (220 Đinh Tiên Hoàng, P. Đa Kao, Q.1-TPHCM) nấu hơn 2.000 suất ăn cung cấp cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chợ Rẫy. Với số lượng suất ăn như vậy, mỗi ngày chi hội phải nấu 2 nồi cơm to, trung bình một nồi nấu 3 giờ. Nhưng từ khi gắn thiết bị tiết kiệm gas của kỹ sư Lê Tiến Thắng, mỗi nồi cơm chỉ cần nấu 2 giờ rưỡi, tiết kiệm được 100.000 đồng tiền gas mỗi ngày.

Ngoài Chi hội Bảo Hòa, thiết bị tiết kiệm gas (đã được đăng ký nhãn hiệu ECOMAX tại Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) của kỹ sư Thắng đã được gắn miễn phí cho chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp-TPHCM) và một số tổ chức từ thiện khác. Kỹ sư Thắng kể: “Ban đầu, do thiết bị quá đơn giản nên mọi người đều nghi ngờ tính hiệu quả, nhưng sau khi lắp đặt và sử dụng, mọi người đều phản hồi rằng rất hiệu quả, có nơi còn đề nghị lắp đặt thêm vì khả năng tiết kiệm đạt được từ 35% tới 40%”. Tại gia đình kỹ sư Thắng, trước đây mỗi bình gas 12 kg dùng được khoảng 28 ngày. Từ khi lắp thiết bị này, thời gian sử dụng được kéo dài tới 38 ngày.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị tiết kiệm gas này khá đơn giản. Theo kỹ sư Thắng, trong điều kiện bình thường, các chuỗi phân tử hydrocarbon trong gas bị xoắn thành cụm nên ôxy trong không khí chỉ có thể kết hợp với các phân tử bên ngoài để đốt cháy, các phân tử bên trong không kịp cháy sẽ theo lực đẩy thoát ra ngoài môi trường, vừa hao phí nhiên liệu vừa gây hại cho môi trường. Thiết bị tiết kiệm gas gồm có thành phần chính là hai thanh nam châm đất hiếm NdFeB có các cực ngược nhau được lắp vào hai phía đối diện trong một ống dài khoảng 10 cm. Nhờ từ tính của hai thanh nam châm này giúp kéo các phân tử hydrocarbon dãn ra, phân bố đều hơn, tạo khoảng cách đủ rộng cho ôxy thâm nhập và tạo phản ứng cháy triệt để.

Cách lắp đặt cũng rất đơn giản. Chỉ cần gắn một đầu thiết bị vào ống dẫn của bình gas, đầu còn lại gắn vào bếp gas qua một đoạn dây nối, sau đó siết chặt các “cổ dê” để bảo đảm gas không thoát ra ngoài và sử dụng bếp như bình thường.

Được biết, kỹ sư Lê Tiến Thắng tốt nghiệp Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM năm 1996 và làm việc tại bộ phận kỹ thuật hình sự của Công an TPHCM. Đến năm 2000, kỹ sư Thắng ra ngoài làm, kết hợp cùng vài cộng sự chế tạo ra chiếc xe đạp điện đầu tiên ở VN, sau này phát triển thành nhãn hiệu xe đạp điện Delta. Sau đó chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu các thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho các loại động cơ. Trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy các loại bếp gas hiện nay vẫn còn nhược điểm, kỹ sư Thắng nảy ra ý tưởng sản xuất thiết bị tiết kiệm gas. Tất cả khuôn mẫu, máy hàn và các trang thiết bị khác đều do chính anh đầu tư nghiên cứu và thiết kế, chế tạo. Theo hướng dẫn của một người bạn, kỹ sư Thắng đã đem sáng chế đi nộp hồ sơ xin cấp bằng độc quyền tại Cục Sở hữu Trí tuệ và đã được cơ quan này chấp nhận đơn hợp lệ với tên gọi “Thiết bị tiết kiệm gas” ngày 21-8-2008.

Kỹ sư Thắng cũng cho biết trong tương lai gần sẽ nghiên cứu để sản xuất đại trà thiết bị này.

Theo NLĐ