06:03, 16/03/2018

Bàu Trắng và Bàu Tró: Khám phá về những nét tương đồng

Ở miền Trung Việt Nam từ thuở khai thiên lập địa đã có hàng trăm hồ nước ngọt (người miền Trung gọi là bàu) lớn nhỏ khác nhau. Trong số đó, có hai hồ nước rộng lớn bên cạnh biển mà vẫn có nước ngọt, đó là Bàu Tró ở tỉnh Quảng Bình và Bàu Trắng ở tỉnh Bình Thuận với những đặc tính giống nhau, từ lâu được nhiều người biết đến.

Ở miền Trung Việt Nam từ thuở khai thiên lập địa đã có hàng trăm hồ nước ngọt (người miền Trung gọi là bàu) lớn nhỏ khác nhau. Trong số đó, có hai hồ nước rộng lớn bên cạnh biển mà vẫn có nước ngọt, đó là Bàu Tró ở tỉnh Quảng Bình và Bàu Trắng ở tỉnh Bình Thuận với những đặc tính giống nhau, từ lâu được nhiều người biết đến.


Bàu Trắng


Ở Bình Thuận có nhiều bàu nước tự nhiên, là những ốc đảo trong sa mạc đầy nắng gió được hình thành do nước ngầm thoát ra tích tụ lại mà thành. Đáng chú ý hơn cả là Bàu Trắng (bao gồm Bàu Ông và Bàu Bà) ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, có dung tích trên 12 triệu m3 nước ngọt. Bàu Bà rộng hơn và chứa lượng nước nhiều hơn Bàu Ông.

 

Bàu Trắng ở Bình Thuận.

Bàu Trắng ở Bình Thuận.


Truyền thuyết trong dân gian của người dân ở đây cho rằng Bàu Trắng không có đáy và thông ra với biển. Cho đến nay, nhiều người ở Bình Thuận cũng như du khách khi đến đây cũng tin là bàu không đáy. Trên thực địa cho thấy: Bàu Bà có diện tích 70ha, nơi rộng nhất là 500m, độ sâu trung bình 5m, nơi sâu nhất của Bàu Bà là 19m vào mùa mưa. Càng về phía bờ, nước càng cạn dần. Từ Bàu Bà và các trũng nhỏ nguồn nước ngọt thấm ngầm qua các đụn cát ra phía biển, khi còn cách biển khoảng 600m nước xuất lộ, tạo dòng suối nước ngọt đổ ra biển với lưu lượng khá lớn.


Khảo sát khảo cổ học từ những năm 80 của thế kỷ trước cho biết, xung quanh Bàu Trắng về phía nam có nhiều vết tích của các làng Chăm. Do nhiều lý do của lịch sử, người Chăm đã dời làng đi nơi khác để lại nhiều vết tích và địa tầng sinh sống. Đáng lưu ý là họ đã để lại đền thờ Thiên Y A Na cách bờ Bàu Trắng về phía nam khoảng 100m. Khoảng đầu thế kỷ XVIII, các lưu dân Việt từ các tỉnh Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ đến vùng đất này vừa tiếp quản vừa khai phá để hình thành nên những làng mạc như ngày nay. Các làng Việt ở khu vực này tiếp quản đền thờ Thiên Y A Na (lúc này đã hoang phế) để xây dựng thành đền thờ với đầy đủ các thiết chế của một khu đền thờ để thờ Thiên Y A Na theo cách riêng của mình. Sử cũ gọi là đền thờ bà Chúa Động.


Những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây là địa điểm nuôi giấu cũng là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho du kích. Biết được việc này, thực dân Pháp triệt hạ ngôi đền. Năm 2001, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp đồn biên phòng phát hiện tượng thần Avalokitesvara ở khu vực này có niên đại từ thế kỷ IX. Rất có thể chính tượng thần Avalokitesvara trước đây người Chăm đã thờ trong ngôi đền cổ.


Bàu Tró


Bàu Tró là tên một hồ nước ngọt nằm giữa đồi cát ven biển, thuộc phường Hải Thành, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, từ ngàn xưa, người nguyên thủy đã cư trú quanh hồ. Truyền thuyết trong dân gian kể rằng, Bàu Tró rất sâu, sâu không có đáy. Lại có chuyện kể rằng, bàu này “không có đáy” mà thông với một bàu nước ngọt khác là Bàu Sen, cách TP. Đồng Hới ngót 30km. Đó là cách lý giải dân gian về khả năng vô tận của nguồn nước ngọt quý hiếm nằm lọt vào giữa ba bề bốn bên là nước mặn.


Ngày nay, Bàu Tró được biết đến về nguồn gốc, bàu này là vũng bàu cổ bị nhạt hóa dần sau khi cách ly khỏi biển do quá trình bồi tụ của các doi cát chắn phía ngoài hoặc cũng có thể là vùng trũng giữa đụn cát cổ ứ nước mà thành. Bàu Tró có dạng như một quả bầu hơi eo, cách bờ biển 300 - 450m. Chiều dài trung bình 1.070m, rộng 220m ở phần Tây Bắc, 100m ở đoạn gần giữa và 250m ở phần Đông Nam. Bàu Tró nằm ven biển ở phía đông bắc Đồng Hới với dung tích khoảng 9 triệu m3, sâu đến 12m (mùa mưa) và 6 - 8m (mùa khô).


Bàu Tró vừa là một thắng cảnh, vừa là một vùng di tích với những di chỉ khảo cổ học của người Việt cổ để lại. Vào năm 1923, hai người Pháp là Max và Depiruy đã phát hiện ra di chỉ khảo cổ học tại đây. Năm 1980, Trường Đại học Tổng hợp Huế tổ chức khai quật lại di chỉ Bàu Tró. Hiện vật thu được gồm có nhiều rìu, chày nghiền, mũi nhọn, các loại nồi, niêu, bình, vò... Và từ đó các nhà khảo cổ học đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là văn hóa Bàu Tró. Bàu Tró được xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia.


Với khoảng cách gần 1.000km từ Bàu Trắng đến Bàu Tró khiến chúng ta khá ngỡ ngàng như có ai sắp đặt trong thế giới tự nhiên hàng triệu năm về trước. Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Bình Thuận và Quảng Bình những di sản quý báu. Vấn đề còn lại là người dân ở đây khi khai thác phục vụ du lịch đồng thời phải biết giữ gìn nguyên trạng, đừng để khai thác quá mức làm mất đi dáng vẻ tự nhiên của hai bàu nước.


XUÂN LÝ (Bình Thuận online)