09:08, 06/08/2019

Thêm sức hút cho du lịch xứ Trầm Hương

Với lợi thế sẵn có và chiến lược phát triển đúng đắn của địa phương, ngành Du lịch Khánh Hòa đang có những bước tiến khá dài, khá vững chắc. Song, muốn nâng chất lượng phát triển lên một tầm cao mới, ngành Du lịch Khánh Hòa phải được cơ cấu lại, trên nhiều lĩnh vực.

Với lợi thế sẵn có và chiến lược phát triển đúng đắn của địa phương, ngành Du lịch Khánh Hòa đang có những bước tiến khá dài, khá vững chắc. Song, muốn nâng chất lượng phát triển lên một tầm cao mới, ngành Du lịch Khánh Hòa phải được cơ cấu lại, trên nhiều lĩnh vực.


Tại hội thảo quốc tế “Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến quốc gia” được tổ chức đầu tháng 8-2018 tại Nha Trang, Khánh Hòa được kênh truyền hình National Geographic ghi nhận là 1 trong 50 điểm đến quan trọng nhất trên thế giới; đồng thời, chỉ ra những yếu tố cản trở bước tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững của du lịch Khánh Hòa. Đó là sự yếu kém về sản phẩm du lịch; sự mất cân đối nghiêm trọng thị trường khách du lịch. Bên cạnh đó, phát triển không gian du lịch chưa được đầu tư thích đáng với một quy hoạch phát triển hoàn chỉnh, có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến nghèo nàn, chưa xứng đáng với tiềm năng tăng trưởng du lịch của địa phương. Đây là những góp ý xác đáng và chân thành của những người am hiểu sâu sắc về du lịch, rất đáng được ghi nhận, nghiên cứu.


Theo các chuyên gia du lịch, muốn phát triển lên một tầm cao mới, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, ngành Du lịch Khánh Hòa phải được cơ cấu lại, trên nhiều lĩnh vực như: đa dạng hóa sản phẩm; giải quyết các bài toán về hạ tầng giao thông, về sự hài hòa giữa lượng khách với yêu cầu bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch; có chiến lược quảng bá dài hạn, hiệu quả... Hết thảy những nội dung nói trên đều phải được quy hoạch cụ thể, lâu dài, hướng tới sự phát triển bền vững.


Người viết bài này rất tâm đắc ý kiến phát biểu của ông Nicolas Urvois - đại diện Tập đoàn tư vấn du lịch THR tại hội thảo. Ông cho rằng để chuyển hóa từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ cao, khiến du khách nhớ và thực sự cảm nhận được sự thú vị trong trải nghiệm, mỗi điểm đến cần tìm ra các hoạt động nổi bật, có tác động sâu sắc đến cảm xúc, trí nhớ của người thưởng ngoạn. Để khách “nhớ”, sản phẩm du lịch phải độc đáo, thật sự có ấn tượng, có chiều sâu văn hóa, nhân văn, kể cả tín ngưỡng, tâm linh. Để làm được điều này không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có tâm thực sự, có sự đầu tư chu đáo về trí tuệ và tài lực.


Trong tái cơ cấu thị trường khách quốc tế, các chuyên gia du lịch cho rằng, Khánh Hòa cần tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác các thị trường truyền thống, trọng điểm như: Nga, Trung Quốc, Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ... Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến phát triển các thị trường mới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Tây Á…, tăng tỷ trọng những thị trường khách có thời gian lưu trú dài ngày và khả năng chi tiêu cao.


Nói về phát triển du lịch Khánh Hòa, Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay, không gian phát triển du lịch ở Nha Trang gần như đã hết, nhìn có vẻ rất chật chội. Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển du lịch ở các khu vực vịnh Cam Ranh, Vân Phong và các vùng phụ cận để giảm tải cho Nha Trang. Thêm nữa, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần phải tính đến lợi ích cộng đồng; tôn trọng tự nhiên để phát triển bền vững.


Về lâu về dài, Nha Trang - Khánh Hòa cần được quy hoạch trở thành thương hiệu du lịch biển ngang tầm với những thương hiệu quốc tế của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, tập trung phát triển sản phẩm, loại hình du lịch chất lượng cao, mang nét đặc trưng Khánh Hòa, chú trọng phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù gắn với biển, đảo; trong đó có du lịch MICE, thể thao mạo hiểm, về nguồn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...


PHONG NGUYÊN
(Phóng viên Thường trú Báo Nhân Dân tại Khánh Hòa)