10:03, 30/03/2021

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, Khánh Hòa sẽ dành hơn 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ du lịch cộng đồng ở Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
 

Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, Khánh Hòa sẽ dành hơn 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ du lịch cộng đồng ở Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
 
Du lịch cộng đồng còn yếu
 
Xứ Trầm Hương có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện tại, các cộng đồng dân cư còn giữ được nhiều nếp sinh hoạt, ngành nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, lễ hội độc đáo như: Lễ Cầu ngư ở các làng biển, lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai, lễ cúng bến nước của người Ê đê… Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá yếu. 

 

 Nghề chằm nón ở Khánh Hòa.
Nghề chằm nón ở Khánh Hòa.
 
Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc (Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Mô hình phát triển du lịch bền vững có sự tham gia của cộng đồng ở Khánh Hòa” cho biết, Khánh Hòa mới có 2 địa phương (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa và xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) có mô hình du lịch cộng đồng, quá ít so với tiềm năng du lịch của tỉnh. Tại Ninh Vân, một số hộ dân đã đầu tư khai thác dịch vụ lưu trú, ăn uống kết hợp với tham quan cánh đồng trồng tỏi, Khu di tích quốc gia địa điểm lưu niệm tàu C235. Ở Diên Xuân, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch sinh thái Nhân Tâm kết hợp với 20 hộ nông dân mở ra loại hình tham quan tìm hiểu nông thôn - nông nghiệp, giới thiệu đặc sản trái cây địa phương. 
 
Theo Sở Du lịch, ước tính đến nay, khai thác du lịch cộng đồng ở Khánh Hòa mới chỉ đón khoảng 100.000 khách/năm; doanh thu du lịch cộng đồng và các dịch vụ khoảng 30 tỷ đồng/năm. Con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng du lịch cộng đồng. Thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch cộng đồng còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nguồn nhân lực làm du lịch cộng đồng còn thiếu và yếu. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong quản lý và phát triển du lịch cộng đồng còn thiếu chặt chẽ; việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. 
 
Sẽ có chính sách hỗ trợ 
 
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, tỉnh có định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch về phía tây, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Để đáp ứng nhu cầu khám phá đời sống, trải nghiệm văn hóa địa phương của du khách, việc nâng cao chất lượng các điểm du lịch cộng đồng hiện có và phát triển thêm các điểm mới ở vùng ven đô thị, nông thôn và miền núi của tỉnh rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm cho người dân… góp phần phát triển nông thôn bền vững. 
 
Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ưu tiên tập trung hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại xã Ninh Vân (Ninh Hòa) và các huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ dành hơn 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở 4 địa phương trên. 
 
Theo dự thảo, số kinh phí này sẽ được hỗ trợ để các điểm du lịch cộng đồng lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn; hỗ trợ người dân cải tạo nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị cho các homestay phục vụ du khách; phục dựng văn nghệ dân gian, nghề truyền thống, xây dựng sản phẩm du lịch... để phục vụ du khách. Đồng thời, một phần kinh phí sẽ được dành để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng như: Xây dựng video clip, in ấn tập gấp, tờ rơi, sổ tay du lịch…
 
Theo các chuyên gia du lịch, sau dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm đến các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng nhiều hơn. Việc UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tỉnh và các địa phương nên lồng việc hỗ trợ du lịch cộng đồng với các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… để thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. 
 
XUÂN THÀNH