10:01, 03/01/2020

Đi thăm "Giấc mơ hòa bình"

Nằm cách biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên 7km, công viên Imjingak (thành phố Paju, Hàn Quốc) là địa điểm du lịch hàng đầu về chủ đề chiến tranh Triều Tiên. Hơn cả một công viên, Imjingak chính là hiện thân giấc mơ hòa bình của người dân Hàn Quốc!

Nằm cách biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên 7km, công viên Imjingak (TP. Paju, Hàn Quốc) là địa điểm du lịch hàng đầu về chủ đề chiến tranh Triều Tiên. Hơn cả một công viên, Imjingak chính là hiện thân giấc mơ hòa bình của người dân Hàn Quốc!



Tôi đến Paju (cách Seoul khoảng 50km) vào một chiều mưa cuối thu. Cơn mưa lạnh không làm chùn bước chân du khách khi nhiều người vẫn háo hức khám phá Imjingak - nơi còn lưu dấu nhiều vết tích của chiến tranh và sự phân ly 2 miền Triều Tiên. Sau hiệp định đình chiến vào năm 1953, hai bên cùng lùi 2km tạo ra vùng phi quân sự (DMZ) rộng 4km và dài 256km. DMZ như một vết chém chia cắt bán đảo Triều Tiên ra làm 2 miền. Từ đó, người Triều Tiên và Hàn Quốc “gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt”. Năm 1972, Chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng Imjingak để những người có gốc gác miền Bắc Triều Tiên đến tưởng nhớ về quê hương, người thân đang còn ở phía bên kia và ẩn chứa trong đó niềm hy vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên.

 

Đầu máy chuyến xe lửa cuối cùng của hai miền Triều Tiên.

Tòa nhà trung tâm ở công viên Imjingak.

 

So với nhiều công viên ở Hàn Quốc, Imjingak không lớn nhưng không kém phần hấp dẫn. Ở đó có một nhà trung tâm trưng bày giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến tranh Triều Tiên; bên ngoài có khu trưng bày các vũ khí (xe tăng, máy bay) sử dụng trong chiến tranh; một bể bơi mang hình bán đảo Triều Tiên. Phía trên tòa nhà là đài quan sát, nơi có thể cho du khách nhìn thấy đường biên giới qua kính viễn vọng. Bên phải tòa nhà là đoạn đường sắt Geyongui từng nối hai miền Triều Tiên giờ chỉ còn đầu máy xe lửa với vết đạn lỗ chỗ. Theo hướng dẫn viên tại đây, chiếc đầu máy xe lửa này đã bị đánh bom khi đang trên đường đến Bình Nhưỡng - đó cũng là chuyến tàu cuối cùng trước khi hai miền bị chia cắt. Bước thêm vài trăm mét, tôi đặt chân lên chiếc cầu gãy bắc qua sông Imjin của tuyến đường sắt năm xưa, nay chỉ còn trơ trọi lại trụ cầu được giữ nguyên như một chứng tích chiến tranh. Đường đi xuống cây cầu này, người dân treo vô vàn dải băng ghi lời nguyện ước của người dân Hàn Quốc về hòa bình, dù phía trên vẫn là hàng rào dây thép gai quấn chặt. Xung quanh tôi, những người Hàn đội mưa đến Imjingak ngày hôm đó không một nụ cười. Dường như, với người Hàn, dù đất nước giàu có, đời sống phát triển nhưng vẫn canh cánh nỗi buồn vì dân tộc Triều Tiên cùng chung tiếng nói, chữ viết vẫn chia đôi. Hơn 65 năm qua kể từ Hiệp định đình chiến 1953, người dân trên bán đảo Triều Tiên vẫn mơ giấc mơ hòa bình, thống nhất!

 

Đầu máy chuyến xe lửa cuối cùng của hai miền Triều Tiên.

Đầu máy chuyến xe lửa cuối cùng của hai miền Triều Tiên.


Yun Đại - hướng dẫn viên mang hai dòng máu Hàn - Việt cho biết, mỗi năm Imjingak đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 500.000 lượt khách quốc tế. Sở dĩ công viên này thu hút nhiều du khách bởi ở đây có đài tưởng niệm Mangbaedan khắc những thắng cảnh ở phía bắc Triều Tiên. Đây cũng nơi những người Hàn Quốc có quê quán ở Triều Tiên hoặc người thân vẫn còn ở miền Bắc thực hiện các nghi lễ tổ tiên và cúi lạy về hướng quê cũ trong dịp lễ năm mới và lễ Tạ ơn (lễ Trung thu). Họ cũng thường thỉnh chuông cầu mong bình an cho người thân ở bên kia. Khi chúng tôi đến, ai đó đã đặt một đóa cúc trắng ở đài tưởng niệm. Yun Đại cho biết đó là cách người Hàn tưởng nhớ một người thân vừa mất ở bên kia biên giới.


Sau lưng đài tưởng niệm vài bước chân là cầu Tự Do - cây cầu gỗ được bắc qua sông Imjin phục vụ cho việc trao trả tù binh sau khi hai bên đình chiến năm 1953. Tổng cộng có 12.773 tù binh chiến tranh là binh lính Hàn Quốc và lực lượng Liên hợp quốc đã trở về ở Hàn Quốc qua cây cầu này. Cây cầu ấy đã từng được phá bỏ sau khi hoàn thành sự mệnh của nó, mãi gần đây thành phố Paju mới phục dựng lại để phục vụ du lịch. Ở đây, hai bên thành cầu cũng dày đặc những dải lụa nhiều sắc màu ghi ước nguyện hòa bình… Giây phút bước chân trên cầu Tự Do trong cơn mưa lạnh của xứ Hàn, lòng tôi bỗng trào dâng nỗi xúc động nhớ về đất mẹ. Việt Nam cũng từng 21 năm trời bị chia cắt (1954 - 1975) với bao nhiêu đau thương, bao gia đình ly tán. Trong chừng ấy thời gian, cũng biết bao ca khúc, bài thơ, cánh thư ước nguyện về ngày thống nhất hai miền. May mắn thay, dân tộc Việt Nam đã thống nhất đất nước để người Việt “nối vòng tay lớn”!


Chia tay Imjingak, tôi thầm mong hòa bình sẽ ở lại trên bán đảo Triều Tiên một cách vĩnh viễn, bởi chiến tranh là kẻ thù muôn đời của hạnh phúc!


THÀNH NGUYỄN