09:12, 17/12/2019

Hàng lưu niệm - thị trường bỏ ngỏ

Với lượng khách du lịch lên đến 7 triệu lượt/năm, cơ hội để ngành Du lịch Khánh Hòa khai thác nhu cầu mua sắm của du khách rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa không nhiều, ngành Du lịch chưa khai thác hiệu quả lĩnh vực này…

Với lượng khách du lịch lên đến 7 triệu lượt/năm, cơ hội để ngành Du lịch Khánh Hòa khai thác nhu cầu mua sắm của du khách rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa không nhiều, ngành Du lịch chưa khai thác hiệu quả lĩnh vực này…


Những năm gần đây, một số doanh nghiệp nhỏ ở Khánh Hòa đã chú ý hơn đến việc sản xuất hàng lưu niệm, trong đó có những cơ sở đã sản xuất được những món hàng lưu niệm làm bằng đồ phế thải, sản phẩm làm bằng tay rất ăn khách. Đơn cử như nhóm 7 Souvenir làm đồ lưu niệm từ gỗ, nhựa phế thải… xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Malaysia. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, số mặt hàng lưu niệm đáp ứng thị hiếu của khách như 7 Souvenir chưa nhiều. Tại các điểm tham quan thiếu vắng sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, độc đáo, đủ sức níu chân du khách. Mới đây, khi tàu biển AIDA Vita cập cảng Nha Trang, khách tàu biển ghé các điểm bán hàng lưu niệm nhưng rất ít mặt hàng có tính bản địa, chủ yếu vẫn là những bức tượng cô gái mặc áo dài đội nón lá, móc khóa mica in hình các danh thắng của Nha Trang, còn lại là những mặt hàng quen thuộc như: túi, ví, quần áo, gương, lược có thể tìm thấy ở bất kỳ điểm du lịch nào ở Việt Nam. Chính vì quá ít hàng lưu niệm có tính đặc trưng nên rất ít khách du lịch tàu biển mua hàng.

 

Khách du lịch tàu biển xem hàng lưu niệm tại cảng Nha Trang.

Khách du lịch tàu biển xem hàng lưu niệm tại cảng Nha Trang.


Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2017 (đợt điều tra gần nhất), khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa chi tiêu trung bình gần 118 USD/người/ngày; trong đó, số tiền dành cho mua sắm chỉ 16 USD/người/ngày. Mức chi  mua sắm của du khách quốc tế đến Khánh Hòa thấp hơn khách đến TP. Hồ Chí Minh (22,3 USD), Lào Cai (24 USD),  Quảng  Ninh (22 USD), Quảng Nam (21,2 USD),  Hải Phòng (19,8 USD)… Một trong những nguyên dân dẫn đến mức chi tiêu mua sắm của du khách đến Khánh Hòa chưa cao là do ít sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, hấp dẫn du khách. “Nhìn chung, khách du lịch đều có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm kỷ niệm về chuyến đi cũng như để làm quà tặng. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm hàng lưu niệm của Nha Trang hiện nay mặc dù có cải thiện hơn trước đây nhưng vẫn không nhiều; thiếu điểm mua sắm chủ đề. Hiện nay, du khách nước ngoài chủ yếu mua sắm các sản phẩm như: cà phê, hạt điều… chứ không mặn mà với hàng lưu niệm”, ông Phan Đình Thảo - Giám đốc Chi nhánh Saigontourist Nha Trang cho biết.


Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, vấn đề phát triển hàng lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách đã được tỉnh chú ý từ nhiều năm nay. UBND tỉnh từng giao cho ngành Công Thương phối hợp với ngành liên quan, tuyển chọn những mặt hàng lưu niệm đẹp nhưng việc này không được làm rốt ráo nên đến nay vẫn chưa có sản phẩm đẹp. Cái khó là Khánh Hòa không có nhiều làng nghề truyền thống để phát triển các đồ lưu niệm từ hàng thủ công mỹ nghệ. Khánh Hòa cũng chưa có những công trình mang tính biểu tượng để các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm dựa theo đó để sản xuất. Khách đến Malaysia có thể mua các sản phẩm có hình tòa tháp đôi để làm quà tặng; đến Seoul (Hàn Quốc) khách có thể chọn mua sản phẩm có tháp truyền hình Namsan… nhưng với Nha Trang, khách không biết mua sản phẩm có hình ảnh, công trình nào cho có tính biểu tượng.


Theo các chuyên gia, để du khách bỏ tiền mua hàng lưu niệm, cần có những sản phẩm độc đáo. Muốn vậy nên tổ chức các cuộc thi sáng tác, thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch; liên kết với các nghệ nhân, cơ sở sản xuất uy tín để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Nhiều  người cho rằng, Khánh Hòa không có những công trình mang tính biểu tượng, chính vì vậy tỉnh cần giao cho ngành Du lịch phối hợp với các ngành liên quan chọn ra hình ảnh có tính biểu tượng để quảng bá, từ đó du khách có thể nhận diện được hình ảnh, sản phẩm lưu niệm của Nha Trang - Khánh Hòa. “Cái cần hiện nay là sự quan tâm, đầu tư đúng mức cả về tài chính và chất xám cũng như chiến lược đường dài để sản phẩm có sức sống. Phải làm sao để khách nhìn vào món hàng lưu niệm là biết ngay đó là sản phẩm của Nha Trang, món quà đó vừa được mang từ Nha Trang về. Điều này không chỉ giúp du lịch có nguồn thu cao hơn mà còn có nhiều lợi ích trong việc quảng bá du lịch”, ông Phan Đình Thảo bày tỏ.


XUÂN THÀNH