09:07, 02/07/2019

Khám phá Hòn Bà

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng các nhà khoa học của Vườn thực vật Hoàng gia Edinburgh (Vương quốc Anh) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đến Hòn Bà để nghiên cứu đa dạng sinh học.

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng các nhà khoa học của Vườn thực vật Hoàng gia Edinburgh (Vương quốc Anh) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đến Hòn Bà để nghiên cứu đa dạng sinh học.

Khám phá thiên nhiên


Vừa đặt chân lên đỉnh Hòn Bà, bà Sawita Yooprasert (Vườn thực vật hoàng gia Edinburgh) đã thốt lên kinh ngạc trước sự đa dạng về thực vật nơi đây, bởi đây là lần đầu tiên bà được tận mắt chứng kiến, nghe giới thiệu về các loài cây bản địa như: sồi Hòn Bà, minh điền Hòn Bà, đỗ quyên Hòn Bà… “Tôi đã từng nghe nhiều đến sự đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà nhưng có đi sâu vào rừng, tận mắt khám phá thiên nhiên nơi đây mới cảm nhận được sự kỳ thú của nơi này”, bà Sawita Yooprasert nói.

 

Chụp ảnh mẫu vật tại Hòn Bà.

Chụp ảnh mẫu vật tại Hòn Bà.


Trong khi bà Sawita Yooprasert đang thích thú khi bắt gặp cây xú hương Trung bộ, xú hương trái lam, những loài cây thuộc họ cà phê và tìm cho được cây đực, cây cái thì ông Nattanon Meeprom đến từ Vườn thực vật hoàng gia Edinburgh cũng cẩn thận chụp ảnh, thu mẫu vật, dùng kính lúp để quan sát hoa của loài xú hương phún. Càng đi sâu vào rừng, nhóm nghiên cứu càng hăng hái và tiếp tục trầm trồ trước sự đa dạng của họ cà phê lên đến 93 loại đã và đang tồn tại tại khu rừng đặc dụng này.


Góp thêm câu chuyện với chúng tôi, ông Ngô Công Châu - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (KBTTN Hòn Bà) cho hay: “Ngoài đoàn của Vườn thực vật Hoàng gia Edinburgh, mới đây, chúng tôi đã đón 2 đoàn nghiên cứu quốc tế khác. Như đoàn của Trường Đại học Kyushu (Nhật Bản) đến điều tra thực địa, nghiên cứu đa dạng các loài côn trùng; đoàn của Vườn thực vật Nam Trung Quốc đến điều tra, nghiên cứu thực vật họ ô rô và các họ thực vật khác. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục mở rộng quan hệ; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đến hợp tác, nghiên cứu khoa học tại khu bảo tồn. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, từ các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đơn vị khoa học trong và ngoài nước đã ghi nhận thêm cho thế giới 30 loài mới tồn tại ở KBTTN Hòn Bà”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dư - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thu mẫu vật.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dư - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thu mẫu vật.


Len lỏi đường rừng, vượt qua những rừng rêu xanh mướt, đoàn nghiên cứu dừng chân nghỉ ngơi ở rừng cây pơ mu xen lẫn những cây hồng tùng quý hiếm được xếp trong Sách đỏ. Trong câu chuyện với những nhà nghiên cứu nước ngoài, ông Lưu Văn Nông - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng KBTTN Hòn Bà giới thiệu: “Thống kê sơ bộ năm 2013, về hệ động vật, trong KBTTN Hòn Bà có 28 bộ, 88 họ và 274 loài thú, chim, bò sát, ếch nhái… Trong đó, lớp thú có 70 loài, lớp chim có 144 loài, lớp bò sát có 37 loài, lớp ếch nhái có 17 loài; có 56 loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Đối với hệ thực vật, qua thống kê ban đầu về thành phần loài, có 120 họ, 468 chi, 752 loài, trong đó có 43 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã công bố thêm hàng chục loài mới đã được phát hiện tại Hòn Bà”.


Đang chăm chú nghe ông Nông giới thiệu, chúng tôi nghe xào xạc từ xa, những ngọn cây đang lay động, ông Nông cho biết, đó là voọc chà vá chân đen, một loài linh trưởng quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt tại khu bảo tồn. Theo chỉ dẫn của ông Nông, cả đoàn ngồi im lặng, chờ đàn voọc di chuyển qua. Chưa đầy 10 phút, hơn 20 con voọc với đặc trưng là chiếc đuôi dài, trắng tinh và tứ chi một màu đen tuyền lần lượt lướt qua trên những ngọn cây. Ông Nattanon Meeprom hào hứng khoe với chúng tôi những bức ảnh sinh động ông chụp đàn voọc giữa thiên nhiên Hòn Bà.


Để phát huy tiềm năng


Tận mắt khám phá Hòn Bà, phát hiện nhiều điều kỳ thú ở đây, bà Sawita Yooprasert thốt lên: “Nha Trang rất nổi tiếng về du lịch, du khách khắp nơi trên thế giới đều biết đến. Hòn Bà không cách xa Nha Trang, lại có thiên nhiên kỳ thú, đa dạng sinh học rất cao, nếu khai thác hiệu quả để phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ rừng bền vững thì tiềm năng của KBTTN Hòn Bà sẽ được phát huy. Khi ấy, không chỉ các nhà nghiên cứu mà Hòn Bà còn thu hút được du khách trong và ngoài nước đến khám phá”.

 

Một góc đỉnh Hòn Bà.

Một góc đỉnh Hòn Bà.


Chia sẻ về câu chuyện khai thác hiệu quả tiềm năng của rừng đặc dụng Hòn Bà, ông Đỗ Anh Thy - Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà cho biết: “Để phát huy các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học của khu bảo tồn, tỉnh đã có kế hoạch lập hồ sơ nâng hạng khu bảo tồn thành vườn quốc gia; đơn vị đang chuẩn bị các nguồn lực, thuê tư vấn để lập hồ sơ nâng hạng. Ngoài ra, để sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng, đơn vị đã xây dựng xong “Đề án cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái”. Mục tiêu của đề án là khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái của khu bảo tồn, thu hút nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững tài nguyên rừng”.


Ngoài phát triển du lịch sinh thái, một vấn đề đang được Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà định hướng phát triển đó là tận dụng hệ sinh thái rừng của khu bảo tồn để phát triển vùng trồng dược liệu. Thực tế, nguồn dược liệu có giá trị tại rừng đặc dụng này rất đa dạng như: nấm linh chi, sa nhân, ươi, cốt toái bổ, chè dây, thổ phục linh… Việc phát triển vùng trồng dược liệu tại đây không chỉ bảo tồn nguồn dược liệu mà còn mang lại hiệu quả kinh tế.


Để giữ cho rừng đặc dụng Hòn Bà thêm xanh, bên cạnh việc tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phận được giao, hiện nay, Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà đang xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm với mục tiêu nâng cao sự hiểu biết, nhận thức về bảo vệ rừng và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ và phát triển rừng; gắn việc bảo tồn bền vững rừng đặc dụng với cải thiện đời sống của người dân vùng đệm…


Chiều trên đỉnh Hòn Bà sương mờ đã giăng kín lối. Chưa vội xuống núi, đoàn nghiên cứu nấn ná chụp thêm một vài kiểu ảnh tại nơi bác sĩ Yersin từng sống và nghiên cứu. Còn chúng tôi lại theo chân các cán bộ Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà xem đề tài nghiên cứu khoa học về sự thích ứng của cây sâm ngọc linh trên đỉnh Hòn Bà. Hy vọng, trong tương lai không xa, các giá trị của KBTTN Hòn Bà sẽ được phát huy, vừa phục vụ phát triển du lịch, kinh tế vừa phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên.


HẢI LĂNG

 




Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa KBTTN Hòn Bà với các vườn thực vật trên thế giới, viện nghiên cứu trong nước, mới đây, đoàn nghiên cứu gồm 2 nhà nghiên cứu đến từ Vườn thực vật Hoàng Gia Edinburgh và 2 nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đến Hòn Bà nghiên cứu khoa học. KBTTN Hòn Bà là một trong số ít những khu rừng đặc dụng mà đoàn đến để nghiên cứu đa dạng thành phần loài trong họ cà phê ở Việt Nam và Đông Nam Á. Sau khi nghiên cứu, thu thập các mẫu vật đưa về giải mã, so sánh ADN của các loài trong họ cà phê, khả năng cao đoàn sẽ phát hiện thêm loài thực vật mới tại khu bảo tồn này.