10:03, 21/03/2017

Tăng cường hợp tác trong phát triển nhân lực du lịch

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch địa phương là một trong những nội dung trọng tâm được bàn thảo tại cuộc họp về nguồn nhân lực du lịch do ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì...

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp (DN) trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch địa phương là một trong những nội dung trọng tâm được bàn thảo tại cuộc họp về nguồn nhân lực du lịch do ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, ngày 21-3.


Nguồn nhân lực thiếu chất lượng


Theo ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch, đến nay, tổng số lao động trực tiếp trong các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khoảng 27.800 người. Trong đó, lao động làm việc ở lĩnh vực lưu trú khoảng 25.000 người. Với tổng số 643 cơ sở lưu trú, gồm 24.000 phòng thì số lao động bình quân là 1,05 lao động/phòng, tương đối cao so với cả nước (0,52 lao động/phòng), nhưng ngành du lịch tỉnh vẫn còn thiếu đội ngũ quản lý cao cấp. Đối với hoạt động lữ hành, với 227 DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhưng chỉ có 840 người hành nghề hướng dẫn viên, trong đó có 522 hướng dẫn viên quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có 362 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó người biết tiếng Trung được cấp thẻ là 65 người, tiếng Nga 92 người. Năm 2016, toàn tỉnh đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó chủ yếu là khách Trung Quốc và khách Nga. Nếu so với nhu cầu cần đến 300 hướng dẫn viên tiếng Trung và 100 hướng dẫn viên tiếng Nga thì rõ ràng nguồn cung còn thiếu.

 

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

 

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: Sở Du lịch chủ trì phối hợp với sở liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch nằm trong Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, trước ngày 15-4. Nếu cần thiết thì có chính sách đặc thù thật cụ thể cho lĩnh vực này để gắn kết người lao động, cơ sở đào tạo, DN sử dụng lao động. Sở Du lịch cũng cần theo dõi sát sao về vấn đề nguồn nhân lực du lịch của tỉnh; xem xét đưa ra các giải pháp tham mưu cho tỉnh tháo gỡ những khó khăn về hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc; tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các DN có dự án đi vào hoạt động trong năm 2017 và 2018 với các trường.

Chất lượng nguồn nhân lực cung ứng cho ngành du lịch cũng đang còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng lao động trong khối kinh doanh du lịch, có tới 92,3% lao động khi tuyển dụng có trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu; 84,6% lao động phải tổ chức đào tạo lại; trên 80% lao động đang làm các công việc buồng, bàn, bar, phụ bếp làm việc trái ngành nghề đào tạo nên phải học thêm các chứng chỉ nghề trên. Có nhiều công việc được đánh giá quan trọng trong hoạt động của DN du lịch như: quản lý cao cấp, nhân viên kinh doanh, maketing, lễ tân, buồng phòng, bếp, chăm sóc khách hàng... nhưng đều không đảm bảo về chất lượng đào tạo. Hầu hết các DN du lịch lớn trên địa bàn tỉnh phải tổ chức thu hút nguồn nhân lực làm các công việc này từ nhiều địa phương khác, thậm chí cả người nước ngoài.


Dự báo, từ nay đến năm 2020, mỗi năm cần thêm khoảng 9.300 lao động, trong đó lĩnh vực lưu trú cần 8.000 lao động, lữ hành cần 1.300 lao động. Tuy nhiên, nguồn cung từ các cơ sở đào tạo du lịch mỗi năm chỉ đạt 2.600 người. Thời gian tới, một số lĩnh vực sẽ thiếu lao động do nguồn cung hạn chế gồm: nhóm lao động quản lý trực tiếp; nhóm ngành bếp; nhóm ngành nhân viên phục vụ; nhóm ngành quản lý dịch vụ; nhóm ngành hướng dẫn viên.


Doanh nghiệp và nhà trường thiếu gắn kết


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, gồm: 4 trường đại học, 6 trường cao đẳng và trung cấp nghề, 1 trung tâm dạy nghề. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn nhân lực du lịch hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng là do chưa có sự chủ động hợp tác giữa nhà trường và DN. Ông Phan Đình Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh Saigontourist Nha Trang cho biết: “Các sinh viên khi đến xin việc làm ở chỗ chúng tôi rất thiếu những kỹ năng mềm. Mới đây, chúng tôi phỏng vấn 50 ứng viên, nhưng chỉ có duy nhất 1 bạn dám đăng ký thuyết trình bằng tiếng Anh”. Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Hoàng Mỹ Khánh - Phó Giám đốc Chi nhánh Vietravel Nha Trang đề nghị các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nên định hướng cho sinh viên biết cần phải học ngành gì, cần có những kỹ năng gì khi đi thực tập, cũng như đi xin việc. “Các bạn sinh viên khi đi thực tập hay đi xin việc phải nắm được vấn đề là mình học cái gì, mình cần làm những việc gì thì DN, nhà tuyển dụng mới có thể giúp đỡ được. Chứ đi thực tập 3 tháng mà chỉ đến DN có 1 tuần rồi xin giấy nhận xét, đi xin việc thì không biết vị trí mình vào làm là gì thì rất khó cho cả DN lẫn lao động”, bà Khánh nói thêm.

 

Sinh viên ngành du lịch của một cơ sở đào tạo ở Nha Trang  trong một buổi thực hành
Sinh viên ngành du lịch của một cơ sở đào tạo ở Nha Trang trong một buổi thực hành


Từ phía đơn vị đào tạo, ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang cho rằng, lâu nay, chúng ta đã không có được dự báo chính xác về nhu cầu việc làm trong lĩnh vực du lịch. Trong nhà trường các em được trang bị những kiến thức cơ bản nhất. Còn các DN muốn sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc được thì cần hợp tác với nhà trường để đào tạo theo yêu cầu. Còn ông Phan Văn Lại - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang chia sẻ, nhà trường cũng đã nhiều lần mời các DN tham gia vào các công đoạn đào tạo như góp ý giáo trình giảng dạy, đứng lớp giảng dạy. Tuy nhiên, rất ít DN chung tay cùng nhà trường. “Ở trường chúng tôi, phía đào tạo các ngành kỹ thuật thì DN rất nhiệt tình tham gia cùng nhà trường. Nhưng bên phía đào tạo nghề du lịch thì các DN rất hời hợt. Có DN chỉ tham gia được một vài lần rồi viện lý do để không tham gia nữa”, ông Lại cho biết.

 

Lao động nghề bếp của một khu resort ở Nha Trang
Lao động nghề bếp của một khu resort ở Nha Trang


 Trước thực tế mối liên kết giữa nhà trường với DN còn hạn chế, bà Nguyễn Thị Thúy Hường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề du lịch Nha Trang đề nghị, tỉnh cần có chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện, khuyến khích DN tham gia vào các khâu đào tạo của nhà trường từ tuyển sinh, đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất... Có như vậy, DN mới có thể tuyển dụng được lao động theo ý muốn và nhà trường cũng đào tạo có trọng tâm, trọng điểm.


Về vấn đề này, ông Trần Sơn Hải cho rằng, hiện nay, giữa đào tạo và sử dụng lao động du lịch chưa có sự gắn kết với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng học một ngành làm một nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm du lịch. Ông Trần Sơn Hải đề nghị các trường đào tạo nhân lực du lịch cần nỗ lực xây dựng thương hiệu của mình thông qua kết quả đào tạo. Các DN du lịch cần có sự quan tâm, tích cực hơn trong vấn đề chủ động hợp tác với nhà trường. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch. Sở Du lịch phải là cầu nối giữa DN du lịch với cơ sở đào tạo nhân lực du lịch.


Nhân Tâm