10:06, 10/06/2022

Cân bằng dinh dưỡng cho mẹ và bé

Mới đây, ngành Y tế đã tiếp nhận phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tuổi" của Bộ Y tế. Với nhiều chức năng phong phú, phần mềm cung cấp các thực đơn giúp nâng cao dinh dưỡng cho mẹ và bé.

Mới đây, ngành Y tế đã tiếp nhận phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tuổi” của Bộ Y tế. Với nhiều chức năng phong phú, phần mềm cung cấp các thực đơn giúp nâng cao dinh dưỡng cho mẹ và bé.


Thực đơn đa dạng


Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em, từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam, tháng 5-2018, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em và Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam xây dựng phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tuổi”. Tháng 12-2020, phần mềm chính thức được Bộ Y tế công bố trên toàn quốc. Tại Khánh Hòa, ngành Y tế tỉnh tiếp nhận phần mềm vào cuối tháng 5-2022.


Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, phần mềm cung cấp một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm hơn 1.300 món ăn cho bà mẹ mang thai và cho con bú. Dự kiến trong thời gian tới, phần mềm sẽ tiếp tục phát triển lên đến hơn 2.500 món. Các thực đơn trong ngân hàng đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, đáp ứng đủ về năng lượng, nhu cầu canxi, rau và trái cây, phù hợp đặc tính sinh lý, khẩu vị vùng miền, ngon miệng và dễ dàng áp dụng. Phần mềm còn cho phép người dùng tự xây dựng thực đơn mới, cân bằng dinh dưỡng từ các món ăn trong ngân hàng thực đơn, phù hợp với điều kiện cá nhân, sở thích, thu nhập… Bên cạnh đó, phần mềm cũng cung cấp công cụ theo dõi tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, công cụ kiểm tra chế độ dinh dưỡng hiện tại, cùng nhiều nội dung tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và các thông tin bổ ích khác…


Được biết, các thực đơn của phần mềm được nghiên cứu và phát triển theo quy trình bài bản và nhận được sự tư vấn, đánh giá của Hội đồng khoa học - Viện Dinh dưỡng quốc gia, các chuyên gia về dinh dưỡng, sản, nhi, ẩm thực 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ cũng được mời tham gia khảo sát, cho ý kiến.


Sẽ sớm triển khai cho các bà mẹ

 

Phần mềm được chạy trên nền tảng website của Chương trình Dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em theo đường link: www.dinhduongmevabe.mch.vn hoặc www.dinhduongmevabe.com.vn. Người dùng sử dụng máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet để vào wibsite, đăng ký tài khoản sử dụng miễn phí.

Sau lễ tiếp nhận, chuyển giao cho tỉnh, trong tháng 6, Công ty Ajinomoto Việt Nam sẽ phối hợp với hệ thống y tế ở các địa phương tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến sử dụng phần mềm cho cán bộ y tế và một số bà mẹ tham gia chương trình; đồng thời đặt bàn hướng dẫn sử dụng phần mềm tại các bệnh viện và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh để các bà mẹ dễ tiếp cận.


Là đơn vị đầu mối triển khai phần mềm, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Hiệp - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: “Phần mềm này ra đời rất hữu ích, phù hợp với chương trình chuyển đổi số của ngành Y tế, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng trẻ em trong các nghị quyết đại hội đảng cũng như các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để bà mẹ mang thai, mẹ cho con bú trong tỉnh được tiếp cận sớm với phần mềm, trung tâm sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, hội liên hiệp phụ nữ, cơ sở y tế công lập và ngoài công lập phổ biến phần mềm đến các bà mẹ. Song song đó, trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu phần mềm thông qua các tờ gấp, áp phích, quá trình khám và tư vấn của bác sĩ…”.


Cùng với chương trình “Nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi”, “Sữa học đường”, đề án “Dinh dưỡng 1.000 ngày đời”…, sự ra đời của phần mềm này của Bộ Y tế góp phần nâng cao dinh dưỡng, sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.


C.Đan