09:12, 14/12/2021

Chủ động ứng phó dịch tả heo châu Phi

Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xuất hiện lại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Người chăn nuôi, chính quyền và cơ quan chuyên môn đang tập trung khống chế, không để dịch bệnh bùng phát.

Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xuất hiện lại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Người chăn nuôi, chính quyền và cơ quan chuyên môn đang tập trung khống chế, không để dịch bệnh bùng phát.


Xuất hiện dịch bệnh ở 9 hộ nuôi


Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong 15 ngày qua, dịch ASF đã xảy ra ở một số hộ chăn nuôi tại Cam Lâm và Nha Trang. Theo đó, từ ngày 27-11 đến 2-12, ASF đã xảy ra ở 2 hộ nuôi tại thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, buộc phải tiêu hủy 91 con heo thịt với tổng khối lượng hơn 4,3 tấn. Còn tại 2 thôn Phước Lộc và Phước Tân (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), từ ngày 27-11 đến 12-12, ASF đã xuất hiện tại 7 hộ nuôi heo nơi đây làm 167 con heo chết, buộc phải tiêu hủy với khối lượng hơn 9 tấn.

 

Rắc vôi bột trước khi tiêu hủy heo bệnh chết do ASF ở Cam Lâm.

Rắc vôi bột trước khi tiêu hủy heo bệnh chết do ASF ở Cam Lâm.


Qua thống kê của cơ quan chuyên môn, 9 hộ nuôi heo kể trên đều nuôi với quy mô nhỏ, lẻ. Tổng đàn heo của 9 hộ chỉ có 334 con; hộ nuôi nhiều nhất 118 con, có hộ chỉ nuôi 1 con. Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc đầu tư chuồng trại cũng như phương thức chăn nuôi của các hộ chưa đáp ứng đòi hỏi về an toàn dịch bệnh; hình thức nuôi chủ yếu là chuồng hở, thức ăn tận dụng từ thực phẩm dư thừa; người ra vào chuồng nuôi không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi… Vì vậy, dịch bệnh dễ xâm nhiễm vào đàn vật nuôi và lây lan.


Nguy cơ lây lan


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm cuối năm, hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh. Cùng với đó, thời tiết chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, bệnh ASF lại chưa có vắc xin phòng bệnh và mầm bệnh đang tồn tại trong môi trường chăn nuôi. Vì vậy, tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan trong thời gian tới.


Ông Võ Ngọc Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Chi nhánh Nha Trang cho biết, thời điểm này hệ thống chăn nuôi gia công trên địa bàn Khánh Hòa có 145 trại, tổng đàn 150.000 con. Đây là thời điểm tổng đàn heo đang ở mức cao nhất trong năm, nguy cơ dịch bệnh do đó cũng tăng lên. Vì vậy, công ty đã đề nghị các hộ nuôi tuân thủ nghiêm các bước hướng dẫn của cơ quan thú y, các quy định của công ty trong việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.


Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đơn vị đã phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã có dịch và cơ quan liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp như: Tiêu hủy số heo bệnh chết theo quy định; vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh các hộ có heo mắc bệnh; lập biển báo nơi có dịch, thống kê tổng đàn heo; ký cam kết phòng, chống dịch bệnh với hộ chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán sản phẩm heo và các phương tiện vận chuyển heo. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” bao gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra.


Chi cục cũng phối hợp với các địa phương và người chăn nuôi triển khai các biện pháp chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32 ngày 25-11 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống ASF, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 20 ngày 26-11 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.


Hồng Đăng