03:04, 13/04/2021

Những điều cần biết về hội chứng chân bồn chồn

Dân trí Hội chứng chân bồn chồn là một rối loại cảm giác vận động hay xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới. Rất khó mô tả hội chứng này cho những người chưa từng bị và đôi khi rất khó chẩn đoán.

Dân trí Hội chứng chân bồn chồn là một rối loại cảm giác vận động hay xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới. Rất khó mô tả hội chứng này cho những người chưa từng bị và đôi khi rất khó chẩn đoán.
 
Hội chứng chân bồn chồn là gì?
 
Hội chứng chân bồn chồn (RLS), còn được gọi là Bệnh Willis-Ekbom, gây ra cảm giác khó chịu, không thoải mái ở chân và sự thôi thúc không thể cưỡng lại phải cử động chân. Đây là một rối loạn cảm giác vận động, ảnh hưởng đến cả hệ thống cảm giác và vận động trong cơ thể.

 

 

Các triệu chứng của tình trạng này thường xảy ra vào cuối giờ chiều hoặc tối, thường tăng vào ban đêm khi cơ thể nghỉ ngơi. Nhưng nó không chỉ xảy ra trong khi ngủ, các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ khi nào người bệnh không hoạt động hoặc ngồi lâu. Và trong khi thường xảy ra ở chân, trong một số trường hợp hiếm gặp, người ta đã báo cáo những cảm giác tương tự về sự bồn chồn ở cánh tay, mặt, thân mình và thậm chí cả bộ phận sinh dục.
 
Các triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn và ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống
 
Nhìn chung, các triệu chứng của RLS bao gồm sự thôi thúc phải cử động, thường kèm theo khó chịu về cảm giác. Những cảm giác cụ thể này thường khó diễn tả, nhưng nhiều người bệnh giải thích chúng là "đau, nhói, co kéo, ngứa, cảm giác nhột hoặc ghê ghê". Những cảm giác đó có thể xảy ra ở một bên, hai bên hoặc có thể xen kẽ giữa các bên cơ thể.
 
Do những triệu chứng này, "RLS thường gây suy giảm giấc ngủ". Và trong khi các triệu chứng ban đầu thường là vào buổi tối, hậu quả những người bị RLS thường cảm thấy khó chịu vào ngày hôm sau. RLS là một trong một số rối loạn có thể gây kiệt sức và buồn ngủ ban ngày, và có thể có tác động tiêu cực đến tâm trạng, sự tập trung, hiệu suất công việc và học tập và các mối quan hệ cá nhân. Trên thực tế, "RLS từ trung bình đến nặng không được điều trị có thể dẫn đến giảm khoảng 20% năng suất làm việc và có thể góp phần vào trầm cảm và lo âu", theo NINDS.
 
RLS cũng kèm theo cử động chi định kỳ trong giấc ngủ (PLMS), 80% những người bị RLS cũng bị PLMS, đặc trưng bởi co giật chân hoặc tay không tự chủ trong khi ngủ có thể xảy ra cứ sau 15 đến 40 giây, đôi khi suốt đêm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong khi nhiều người bị RLS cũng bị PLMS, thì không phải ai có PLMS cũng bị RLS.
 
Điều gì gây ra hội chứng chân bồn chồn?
 
Trong hầu hết các trường hợp, không hoàn toàn hiểu được nguyên nhân gây ra RLS ở những người không có các bệnh lý nền khác. Đây được gọi là RLS nguyên phát. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy nồng độ sắt thấp có thể là một yếu tố góp phần. Một số biến thể gen cụ thể có liên quan với RLS, và có thể được tìm thấy trong các gia đình có sự xuất hiện của các triệu chứng trước 40 tuổi.
 
Ngoài ra, cũng có bằng chứng đáng chú ý rằng RLS có liên quan đến rối loạn chức năng ở hạch đáy, một trong những phần của não điều khiển vận động, sử dụng chất dopamine trong não. Dopamine là cần thiết để tạo ra hoạt động và vận động cơ trôi chảy, có chủ đích. Sự gián đoạn của những chu trình này thường dẫn đến các cử động không tự chủ.
 
RLS cũng đã được thấy là có liên quan đến các bệnh lý nền hoặc yếu tố sau:
 
• Bệnh thận giai đoạn cuối và chạy thận nhân tạo
 
• Một số loại thuốc như thuốc chống nôn, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc chống dị ứng
 
• Sử dụng rượu, nicotine và caffeine
 
• Có thai
 
• Bệnh lý thần kinh hoặc tổn thương thần kinh
 
• Các bệnh về thần kinh như bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson
 
Chẩn đoán và điều trị hội chứng chân bồn chồn
 
RLS được chẩn đoán lâm sàng bằng cách đánh giá khi một người có các triệu chứng rập khuôn. Nói chung, RLS thường trở nên rõ ràng về mặt lâm sàng, khi khởi phát và duy trì giấc ngủ bị gián đoạn. Mặc dù không có xét nghiệm đặc hiệu cho RLS, bác sĩ sẽ đánh giá từng trường hợp cụ thể dựa trên 5 tiêu chí cơ bản:
 
• Nhu cầu hoặc sự thôi thúc mạnh mẽ và thường quá mức cần thiết phải cử động chân, thường kèm theo cảm giác bất thường, khó chịu hoặc không thoải mái.
 
• Sự thôi thúc phải cử động chân bắt đầu hoặc tăng lên khi nghỉ hoặc không hoạt động.
 
• Sự thôi thúc phải cử động chân ít nhất là tạm thời và giảm đi một phần hoặc hoàn toàn khi cử động.
 
• Sự thôi thúc cử động chân bắt đầu hoặc tăng lên vào buổi tối hoặc đêm.
 
• Bốn đặc điểm trên không do bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc hành vi nào khác.
 
Hiện chưa có cách điều trị dứt điểm RLS, nhưng điều trị tập trung vào việc kiểm soát bệnh, giảm các triệu chứng và tăng thời gian ngủ ngon. Đảm bảo rằng nồng độ sắt bình thường, loại trừ các rối loạn giấc ngủ khác có thể làm trầm trọng thêm RLS và loại bỏ các thói quen có thể làm cho RLS trở nên nặng hơn, bao gồm cả rượu và caffeine, là những bước đầu tiên trong điều trị.
 
Có khá ít thuốc có thể được sử dụng để điều trị RLS. Dòng điều trị đầu bảng bao gồm các thuốc chống động kinh, như gabapentin hoặc pregabalin. Các thuốc dopamine, chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson, cũng có thể có hiệu quả, cũng như các opiate, được sử dụng chủ yếu trong các trường hợp có tác dụng phụ đặc hiệu RLS nghiêm trọng.
 
Thật không may, RLS là một tình trạng bệnh suốt đời, nhưng với các phương pháp điều trị hiện tại triệu chứng có thể giảm thiểu và đạt được giấc ngủ ngon. Mặc dù luôn nên đi khám bác sĩ nếu RLS làm cản trở cuộc sống hàng ngày (và hàng đêm) của bạn, song nếu các triệu chứng RLS ở mức độ nhẹ và không gây khó chịu hoặc không làm gián đoạn giấc ngủ đáng kể, thì tình trạng này có thể không cần điều trị.
 
Theo Dân trí