11:04, 19/04/2020

Nhật ký cách ly của nữ tiến sĩ: "Không muốn là gánh nặng của đất nước"

Chị Lê Quỳnh Giang (37 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) là tiến sĩ du học gần 6 năm ở Nhật Bản; hiện nay công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngày 22-3, chị cùng gần 150 người từ Nhật Bản về nước và được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trung tâm huấn luyện, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa...

Sống chậm, sống tích cực hơn

Chị Lê Quỳnh Giang (37 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) là tiến sĩ du học gần 6 năm ở Nhật Bản; hiện nay công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngày 22-3, chị cùng gần 150 người từ Nhật Bản về nước và được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trung tâm huấn luyện, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa (đóng tại xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh). Nữ tiến sĩ chia sẻ thấy mình may mắn khi về quê hương, được cách ly tại Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng tỉnh. “Chúng tôi, 147 con người xa lạ, với mọi thành phần, ngành nghề, lứa tuổi khác nhau đã hội tụ về đây, để rồi 14 ngày ăn ở với nhau như một gia đình thực sự. Đó là quãng thời gian mà tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời”, chị Giang tâm sự.

 

Chị kể, ngày đầu vào khu cách ly, mọi người được chia ra 2 nhóm, nam riêng, nữ riêng. Cảm nhận đầu tiên về khu cách ly là một nơi rất yên bình. Một bên là núi, một bên là biển nên không khí ở đây rất trong lành, thoáng đãng và mát mẻ. Mỗi người được bố trí một giường, chế độ ngủ nghỉ không khác gì của một quân nhân. Mỗi ngày, khi mặt trời ló rạng cùng với âm thanh ríu rít của tiếng chim hót, chị Giang cùng mọi người trong khu cách ly thức dậy tập thể dục, quét dọn vệ sinh nơi ở và “quan sát xem các chú bộ đội sống ở đây thế nào”.


Hình ảnh các chú bộ đội trong khu cách ly qua cảm nhận của chị Giang là những người cực kỳ đúng giờ, chu đáo và nấu ăn rất ngon. “Lúc chúng tôi còn đang ngon giấc, 2 giờ sáng các chú đã dậy để bơm nước sinh hoạt và sau đó chuẩn bị bữa sáng. Các chú rất chu đáo, nhiệt tình và đặc biệt, nấu ăn rất ngon. Cứ đúng 6 giờ sáng, 11 giờ trưa và 17 giờ đều đặn, các chú đã sẵn sàng cơm canh để phục vụ chúng tôi”, chị Giang kể.


Nữ tiến sĩ còn tỏ lòng cảm phục khi biết được các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã phải nhường chỗ ngủ, chỗ tắm cho mọi người. Khi được hỏi, các chiến sĩ thật thà: “Nói thiệt là khu bọn em ở không được như các bạn đâu. Nhưng mà chẳng mấy khi các bạn đến đây, bọn em rất vui lòng và sẵn sàng nhường chỗ ngủ, chỗ tắm rửa, vệ sinh”.


Ở khu cách ly, trước cửa phòng luôn có số điện thoại và các mảnh giấy để mọi người có thể nhờ mua các đồ dùng cá nhân hay mong muốn được ăn món gì. Theo chị Giang, mọi người ở khu cách ly còn được trưng cầu ý kiến thích ăn gì để hôm sau các chiến sĩ chuẩn bị. Họ cũng hỏi thăm mọi người ăn có vừa miệng không để còn điều chỉnh. Từ bất ngờ, chị Giang đi đến cảm phục khi biết rằng các chiến sĩ phải chịu thiệt thòi và hy sinh bản thân khi nhiều tuần nay không được về nhà, mà phải túc trực ở đây 24/24 giờ chăm sóc mọi người. “Nếu so ra, 14 ngày cách ly của chúng tôi có thấm tháp gì đâu so với những gì các chiến sĩ phải trải qua”, chị Giang tâm sự.


Mọi người ở trong khu cách ly khi biết chuyện, ai cũng bảo ban nhau phải có ý thức giữ gìn vệ sinh xung quanh chỗ ở thật tốt, nhớ mang khẩu trang, cố gắng không tụ tập nhóm và giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Rồi tất cả chung tay làm sạch nơi ở, dọn vệ sinh toàn bộ khu nhà. Ở khu cách ly, cảm giác như mọi người đang sống chậm lại và sống tích cực hơn, gần nhau hơn.

 

Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang.

Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang.

 

Thấy mình thật may mắn


Khi chỉ còn ít ngày là hết thời gian cách ly theo quy định, những người trong Trung tâm huấn luyện với các chiến sĩ giống như một gia đình thật sự. “Chúng tôi, từ những người xa lạ, đã trở nên thân thiết và gần gũi nhau hơn. Cùng rủ nhau tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, đàn hát cho nhau nghe, ăn gì cũng í ới gọi nhau, rồi kể về nơi mình sinh ra và lớn lên, về công việc và quan tâm cả đến vấn đề sức khỏe của nhau nữa”, nữ tiến sĩ chia sẻ.


Thời gian cách ly càng ngắn lại, mọi người lại càng thêm gắn bó với các chiến sĩ nơi đây. Với họ, lúc này thấm thía hơn ai hết câu nói về bộ đội “đi dân nhớ, ở dân thương”. Khi thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở trong nước và thế giới ngày càng phức tạp, số người nhiễm tăng từng giờ, chị Giang và mọi người trong khu cách ly tập trung cùng chung một suy nghĩ: thật may mắn khi được cách ly, vì ở đây an toàn hơn ngoài kia. “Những người trở về từ nước ngoài như chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì đất nước như mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay che chở, kể cả cử máy bay sang vùng tâm dịch nguy hiểm để đón cư dân nước mình về”, chị Giang tâm sự.


Ngày 7-4, chị Giang hoàn thành thời gian cách ly tập trung và về quê nhà ở Huế. “Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều người sẽ có chung một suy nghĩ, thật may mắn khi được trở về quê hương, như được chắp thêm đôi cánh hồi sinh. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi rất yêu đất nước hình chữ S. Tôi yêu con người Việt Nam trong những lúc như thế này, rất đồng lòng, đoàn kết và nhân văn”, chị Giang chia sẻ và xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những người trong tuyến đầu chống dịch vì một đất nước an toàn và bình yên.


LAN PHƯƠNG

 


 

Hết thời gian cách ly tập trung, khi về nhà, chị Lê Quỳnh Giang đã gửi 3 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bởi “không muốn bản thân làm tăng thêm gánh nặng cho đất nước”. “Chi phí cho một người cách ly 14 ngày có thể không nhiều, nhưng hàng nghìn người nhân lên không phải là nhỏ, mà nước mình đâu phải giàu có như: Mỹ, Nhật hay các nước châu Âu…”, chị Giang nói.