07:12, 10/12/2019

Dịch tả heo châu Phi tạm lắng

Các số liệu thống kê trong tuần qua cho thấy, dịch tả heo châu Phi (ASF) đang có chiều hướng lắng lại, tốc độ lây lan cũng như số heo buộc phải tiêu hủy giảm. Dẫu vậy, người chăn nuôi và cơ quan chức năng vẫn đang tích cực triển khai công tác phòng, chống ASF.

Các số liệu thống kê trong tuần qua cho thấy, dịch tả heo châu Phi (ASF) đang có chiều hướng lắng lại, tốc độ lây lan cũng như số heo buộc phải tiêu hủy giảm. Dẫu vậy, người chăn nuôi và cơ quan chức năng vẫn đang tích cực triển khai công tác phòng, chống ASF.


Số heo mắc bệnh giảm mạnh


Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 2 đến 8-12, ASF phát sinh tại 1 xã mới là xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh. Cụ thể, ASF được xét nghiệm dương tính tại một hộ chăn nuôi ở thôn Hòn Dù. Hộ này có tổng đàn 18 con heo thịt, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và chủ hộ chăn nuôi đã phối hợp tiêu hủy 5 con, tổng trọng lượng 472kg. Ngoài ra, trong tuần qua, ASF còn xuất hiện tại 2 hộ mới ở Cam Lâm.

 

Đàn heo tại một trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Đàn heo tại một trang trại chăn nuôi quy mô lớn.


Đây đều là những con số khiêm tốn so với tuần trước, đặc biệt so với thời điểm bùng phát mạnh ASF trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Qua thống kê, tuần vừa qua, cả về số thôn, xã, huyện, số hộ và tổng trọng lượng heo phải tiêu hủy đều giảm từ 40 - 60% so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua chỉ có 37 con heo, tổng trọng lượng 1.244kg phải tiêu hủy. So với lúc cao điểm ở tuần 27 (từ ngày 7 đến 13-10), toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 1.902 con heo.


Trong các số liệu thống kê, đáng chú ý là khoảng 2 tháng trở lại đây, tổng trọng lượng heo bị tiêu hủy ngày càng giảm. Nếu như trước đây, cứ tiêu hủy 100 con heo, tổng trọng lượng phổ biến là 7 đến 8 tấn heo, thì hiện nay cũng với 100 con heo, phổ biến chỉ khoảng 3 đến 3,5 tấn. Điều này được giải thích là ở Khánh Hòa, ASF vẫn đang xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô đàn thấp. Sau một thời gian dịch bệnh xảy ra, có lúc bùng phát, đàn heo trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này đã suy giảm nghiêm trọng vì 2 lý do, hoặc là bị dịch bệnh buộc phải tiêu hủy, hoặc là các hộ đã chủ động giảm đàn, nhanh tay bán heo, kể cả heo chưa đạt trọng lượng xuất bán để ứng phó với dịch bệnh. Theo một số địa phương mà chúng tôi tìm hiểu như: Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, người chăn nuôi chưa thể tái đàn vì một vài hộ từng tái đàn trên chuồng heo đã bị ASF lại tiếp tục có heo bị ASF.


Tăng cường kiểm soát

 

Tính từ ngày ASF xuất hiện tại Khánh Hòa (ngày 11-4 đến 8-12), ASF đã xảy ra tại 677 hộ, 141 thôn, 52 xã, 5 huyện, thành phố gồm: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Nha Trang và Cam Ranh. Tổng đàn heo chết, bệnh buộc phải tiêu hủy là 13.508 con với tổng trọng lượng hơn 753 tấn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ASF trên địa bàn tỉnh bước đầu được kiểm soát. Số lượng heo chết, bệnh buộc phải tiêu hủy giảm. Có được kết quả này một phần do người chăn nuôi chưa tái đàn sau khi heo bị bệnh hoặc xuất bán, nên mật độ chăn nuôi đã giảm, từ đó kéo giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan. Đồng thời, người chăn nuôi đã và tiếp tục áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh; sử dụng các chế phẩm hỗ trợ. Các biện pháp chống dịch đã được điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm.


Tuy vậy, cơ quan chuyên môn vẫn khuyến cáo ASF có nguy cơ kéo dài, tiếp tục lây lan, xuất hiện ở các hộ nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, thậm chí xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi quy mô lớn nếu không áp dụng triệt để, nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học.


Ở một khía cạnh khác, trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống ASF, ngày 3-12, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch; tổ chức rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh, số liệu heo buộc phải tiêu hủy và thực thi chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, kịp thời chấn chỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai sót, gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


Hồng Đăng