10:11, 21/11/2019

Làng nghề tất bật vào vụ Tết

Thời điểm này, các làng nghề thủ công ở thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang bước vào vụ sản xuất Tết. Bên cạnh niềm vui về thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, các hộ dân ở làng nghề cũng có nhiều trăn trở.

 

Thời điểm này, các làng nghề thủ công ở thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang bước vào vụ sản xuất Tết. Bên cạnh niềm vui về thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, các hộ dân ở làng nghề cũng có nhiều trăn trở.


Làng đúc đồng rộn ràng đỏ lửa


Vừa đến đầu làng đúc đồng Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh), chúng tôi đã nghe âm thanh rộn rã, tất bật phát ra từ nhà các hộ đang gia công, nấu đồng, làm khuôn. Vừa trông coi mẻ đồng đang được nấu hừng hực trên bếp lửa, anh Biện Ngọc Khoa cho biết, nghề đúc đồng hiện nay không giống như trước chỉ đến gần Tết mới làm, mà làm quanh năm vì có đầu ra khá ổn định. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm (khoảng từ đầu tháng 10 âm lịch), do nhu cầu tiêu thụ cao, bạn hàng gọi đặt hàng nhiều nên các hộ làm nhiều hơn, thậm chí phải làm đêm. Anh Khoa đang đổ mẻ đồng với 2 sản phẩm chính là mâm bày trái cây và bộ đồng phục vụ đám cưới. Năm nay, giá đồng không tăng nhưng giá nhân công tăng cao, khiến chi phí sản xuất của gia đình anh cũng cao hơn trước hơn 10%.

 

Một hộ dân ở làng đúc đồng Phú Lộc Tây  đang đổ mẻ đồng cho vụ Tết.

Một hộ dân ở làng đúc đồng Phú Lộc Tây đang đổ mẻ đồng cho vụ Tết.


Đến thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Văn Đức đã đổ được 1 mẻ đồng với hơn 50 bộ đèn thờ. Theo ông Đức, trước đây gia đình ông làm đủ các công đoạn (làm khuôn, nấu và đổ đồng, gia công, tiêu thụ) nhưng gần đây, do không kiếm được thợ, tiền công thợ tăng cao nên ông chỉ làm khuôn, đổ đồng rồi bán cho bên gia công để hưởng giá chênh lệch. Tiền công thợ bình thường khoảng 200.000 - 250.000 đồng/ngày, thợ có tay nghề cao từ 350.000 đồng/ngày trở lên. Hiện nay, nhiều thợ đòi tăng tiền công nhưng sản phẩm bán ra không tăng giá nên làm không có dư. Thợ tay nghề cao cũng rất khó tìm, quanh quẩn vẫn mấy người thợ trong làng.


Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc Hợp tác xã Đúc Phú Lộc cho biết, bình thường công thợ tay nghề cao khoảng 300.000 - 350.000 đồng/ngày, vào vụ Tết tăng lên gần 500.000 đồng/ngày do phải làm thêm giờ. Nếu làm ban đêm, tiền công còn cao hơn. Tuy tiền công cao nhưng thợ rất khó kiếm do đây là nghề cha truyền con nối, những thợ lớn tuổi nghỉ nhiều nhưng lớp trẻ thì không mặn mà nối nghề. Cuối năm 2018, huyện Diên Khánh tổ chức lớp đào tạo nghề cho thợ đúc đồng trong 1 tháng nhưng vẫn chưa cải thiện được tình trạng thiếu thợ của làng nghề. Bởi để có kỹ thuật, tay nghề cao, người thợ cần nhiều thời gian theo kiểu cầm tay chỉ việc, không thể trong thời gian ngắn mà đào tạo được.


Làng nghề bánh tráng vào vụ Tết


Thời điểm này, làng nghề bánh tráng ở Phú Lộc Đông (thị trấn Diên Khánh) cũng nhộn nhịp không kém. Trên con đường chính Lý Thái Tổ dẫn vào làng, bánh tráng được các hộ phơi hai bên đường, trong ngõ hẻm. Tại gia đình bà Huỳnh Thị Trung Thủy, 5 người thợ thoăn thoắt đôi tay bên 2 lò tráng bánh để kịp phơi nắng. Bà Thủy cho biết, ngày thường gia đình bà làm khoảng 20kg gạo nguyên liệu nhưng vào vụ Tết, mỗi ngày làm hơn 40kg gạo. Bánh tráng làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy nên công việc làm đều mỗi ngày, chỉ nghỉ ngày mưa. Vào vụ Tết, số lượng tăng gấp đôi nhưng thợ cũng chỉ làm thêm được 1 - 2 giờ/ngày do làm thủ công. Vì vậy, từ cuối tháng 10 âm lịch, các hộ làm bánh tráng đã bắt đầu vào vụ Tết và dự trữ hàng.

 

Lò bánh tráng của gia đình bà Huỳnh Thị Trung Thủy vào vụ Tết.

Lò bánh tráng của gia đình bà Huỳnh Thị Trung Thủy vào vụ Tết.


Hiện nay, làng bánh tráng thủ công Phú Lộc Đông còn hơn 10 hộ theo nghề với nhiều loại sản phẩm như: bánh tráng quấn nem, bánh tráng mè đen, bánh tráng mè mỏng (loại dùng làm bánh tráng trứng), bánh tráng dày dùng cho ngày Tết… Theo các hộ làm bánh tráng, đầu ra của sản phẩm ổn định, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà tại các tỉnh khác như: Đắk Lắk, Lâm Đồng… Bước vào vụ Tết, giá các nguyên liệu như: gạo, đường đều tăng từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ làm nghề. Ngoài ra, thời gian gần đây, các hộ làm bánh tráng còn gặp khó khăn về nơi phơi bánh. “Nghề bánh tráng phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, chủ yếu dùng nắng để phơi khô bánh. Trước đây đất trống còn nhiều nên phơi bánh rất thuận lợi. Hiện nay, người dân xây dựng nhà cửa nhiều nên không còn đất trống, phải phơi dọc đường đi, bụi bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Một số hộ dùng lò sấy nhưng chi phí cao, bánh cũng không khô đều và dẻo như phơi nắng”, một hộ làm bánh cho biết. Bên cạnh đó, làng nghề bánh tráng cũng chung nỗi trăn trở về lớp lao động trẻ nối nghề, bởi phần lớn thợ tại các lò bánh là phụ nữ đã ngoài 45 tuổi.


MAI HOÀNG