12:02, 01/02/2022

Tập trung thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, Báo Khánh Hòa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và những định hướng trong năm 2022.

Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, Báo Khánh Hòa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và những định hướng trong năm 2022.

. Thưa ông, năm 2021, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Với truyền thống vượt khó, tỉnh vừa tập trung kiểm soát dịch bệnh, vừa từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. Xin ông đánh giá những kết quả hoạt động của năm vừa qua?

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa


. Trong năm 2021, cả hệ thống chính trị và người dân tỉnh Khánh Hòa đã đồng lòng chung sức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Khánh Hòa và họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về triển khai những biện pháp phòng, chống dịch; ban hành Kế hoạch phân công theo dõi, kiểm tra tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo một số lĩnh vực quan trọng của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, góp phần kiểm soát cơ bản dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Với “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng ngành, lĩnh vực từ đầu năm 2021.


Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong tỉnh từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, thương mại, lao động việc làm, mà còn tác động đến các ngành, lĩnh vực khác như: công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế và các hoạt động văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân... So với năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 giảm 5,58%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 4,6%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 4,42%; doanh thu du lịch giảm 52,78% với số lượt khách lưu trú giảm 51,91%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 1,52%.

 

Tuy ở trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 vẫn có sự phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tiềm lực về cơ sở vật chất, dịch vụ của ngành du lịch đã phát triển trong thời gian qua vẫn duy trì quy mô lẫn chất lượng; duy trì phát triển các sản phẩm chủ lực như: đóng tàu, chế biến, xuất khẩu thủy sản cùng với phát triển năng lượng mặt trời; các sản phẩm công nghiệp địa phương vẫn tham gia xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước như: đóng mới tàu biển, hạt điều, hải sản, yến sào... Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả tích cực với 22 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.844 tỷ đồng, tạo động lực cho phát triển kinh tế trong những năm tới. Tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực; nhiều công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu được triển khai thi công. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống và chăm lo sức khỏe của nhân dân.


Nhằm sớm đưa Khánh Hòa chuyển sang trạng thái phòng, chống, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện mới, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai, thực hiện Kế hoạch “Thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh” với lộ trình, bước đi cụ thể căn cứ trên mức độ tiêm vắc xin cùng với việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm; mở cửa từng bước chắc chắn và có điều kiện, đảm bảo nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, tỉnh tập trung ưu tiên cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; triển khai nhanh, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã có và nghiên cứu bổ sung các hình thức hỗ trợ cần thiết cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là nhu yếu phẩm, lương thực.


. Trong năm, tỉnh đã dành tâm huyết tập trung lập quy hoạch và xây dựng lại hàng loạt quy hoạch của tỉnh nhằm tạo đà để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Ông cho biết đôi nét về công tác triển khai các nội dung này và những triển vọng khi quy hoạch được thực hiện?


. Trong năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và theo dõi sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác lập quy hoạch của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Trọng tâm nhất là việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song đó là việc lập Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.


Một số công tác lập quy hoạch tỉnh đã hoàn thành cơ bản như: Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã thực hiện ký kết Hợp đồng 3 bên về tài trợ công tác lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam và Công ty Cổ phần FPT. Đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác đánh giá thực trạng phát triển của tỉnh Khánh Hòa; tổng hợp, khoanh vùng các vấn đề, thách thức trọng tâm và đề xuất các nhiệm vụ tạo đột phá, từ đó cơ bản hoàn thành dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh. Dự kiến hoàn thành hồ sơ quy hoạch tỉnh trình Hội đồng thẩm định thông qua vào tháng 2-2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2022.

 

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG
Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

 

Triển vọng khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt và triển khai thực hiện, đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm lớn của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về phát triển dịch vụ, du lịch biển và kinh tế biển; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại; thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Với định hướng phát triển nêu trên, tỉnh cùng với đơn vị tư vấn - Công ty McKinsey & Company Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng phương án để phát triển và thu hút đầu tư vào 3 vùng kinh tế động lực trong thời gian tới như sau:


* Khu vực vịnh Vân Phong: Phát triển trở thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với định hướng quy hoạch trong Khu kinh tế. Tổ chức rà soát quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển (phát triển du lịch cao cấp, cảng biển logistics, trung tâm năng lượng, nuôi trồng và chế biến thủy sản tiên tiến...), nhất là khu vực Bắc Vân Phong, để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực.


* TP. Nha Trang: Phát triển trở thành vùng trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư phát triển Nha Trang thành trung tâm sự kiện văn hóa - thể thao đa năng phục vụ nhân dân và du khách; triển khai những dự án phát triển các ngành công nghệ - kỹ thuật cao, trở thành một trung tâm đại học và nghiên cứu về các ngành ưu tiên và phát triển bền vững; đưa vào khai thác các khu du lịch - dịch vụ, hạ tầng thương mại, khu đô thị, khu dân cư; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch, phù hợp với yêu cầu phát triển TP. Nha Trang trở thành đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại.


* Khu vực vịnh Cam Ranh: Phát triển trở thành trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh gắn với quốc phòng, an ninh. Thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch; chú trọng phát triển các ngành lĩnh vực có lợi thế (ngành dịch vụ du lịch thương mại, vui chơi giải trí và công nghiệp quốc phòng, trung tâm logistic, thủy sản, phát triển đô thị sân bay...).


. Thưa ông, xác định còn phải đối mặt lâu dài với dịch bệnh phức tạp, vậy công tác triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 của tỉnh có những ưu tiên gì, tập trung vấn đề nào?


. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực và có thể kéo dài sang năm 2022 và những năm tiếp theo. Mục tiêu tổng quát của việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là tập trung thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và tái bùng phát dịch. Tập trung phát triển kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển; thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển.


Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có như: Hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy, các cụm công nghiệp (CCN): Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân, Diên Phú - VCN, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1; hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư đối với CCN Tân Lập nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới. Xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng các KCN, CCN đã được quy hoạch. Cụ thể là các KCN: Vạn Thắng, Ninh Hải, Ninh Tịnh, Dốc Đá Trắng, Nam Cam Ranh; các CCN: Tân Lập, Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông. Chuẩn bị thủ tục đầu tư và nguồn lực triển khai các dự án quan trọng phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có công trình thiết chế văn hóa. Thực hiện xúc tiến đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng đô thị lớn trên địa bàn tỉnh theo quy định như: Khu đô thị sân bay tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh, Khu đô thị công nghiệp tại Cam Lâm, Tổ hợp dịch vụ du lịch, thương mại, vui chơi giải trí tại Cam Lâm, các khu đô thị tại thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh...


Địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng quan trọng, nhất là các dự án giao thông, cụ thể: Nút giao thông Ngọc Hội, Đường vành đai 2, các tuyến đường, nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang, Tỉnh lộ 2 (ĐT.653), đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi, huyện Diên Khánh, Tỉnh lộ 3, Đường D30 - kết nối đường 23-10 với đường Võ Nguyên Giáp, TP. Nha Trang, Đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; Nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.652B và ĐT.652D (đoạn từ đường ĐT.652 đến Quốc lộ 26B); hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án thành phần đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh, cầu Xóm Bóng trên Quốc lộ 1C; các dự án hạ tầng đô thị, cụ thể: Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang, Đập ngăn mặn sông Cái, Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), Bệnh viện Đa khoa TP. Nha Trang.


Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.


. Xin cảm ơn ông!


P.V (Thực hiện)