08:02, 05/02/2022

Hoài cổ với máy ảnh phim

Trong thời đại công nghệ phát triển, những dòng máy ảnh số với nhiều tính năng hiện đại liên tục được ra mắt, lại có những bạn trẻ thích "hoài cổ" với máy ảnh phim. Tưởng chừng như đã bị lãng quên, nhưng thú chơi xưa cũ này vẫn được gìn giữ.

Trong thời đại công nghệ phát triển, những dòng máy ảnh số với nhiều tính năng hiện đại liên tục được ra mắt, lại có những bạn trẻ thích “hoài cổ” với máy ảnh phim. Tưởng chừng như đã bị lãng quên, nhưng thú chơi xưa cũ này vẫn được gìn giữ.


Cực, nhưng vui...


Khéo léo lắp cuộn phim Ektar 100 vào chiếc máy ảnh Nikon F2 của mình, anh Trần Nguyễn Bảo Duy (phường Phước Tân) tỉ mẩn kiểm tra xem phim đã được lắp đúng vào các khớp của máy chưa, tránh tình trạng bị tuột phim khi chụp. “Trước mỗi lần chụp, mình phải kéo cò chụp, mỗi khi cảm giác thấy cò nhẹ hơn hẳn là biết ngay phim bị tuột do lắp không kỹ. Mỗi lần như vậy là lại phải mang máy vào phòng kín không có ánh sáng để tháo buồng phim ra xử lý, cũng nhọc lắm” - anh Duy chia sẻ.

 

Các bạn trẻ với đam mê chụp hình bằng máy phim.

Các bạn trẻ với đam mê chụp hình bằng máy phim.


Khác với nhiều người chơi ảnh hiện nay đa phần chuộng các máy ảnh đời mới, nhiều công nghệ, anh Duy là một trong số ít bạn trẻ chọn gắn bó với máy ảnh phim, vì sự “không vội vã” của thú chơi hoài cổ này. Anh chia sẻ, năm 2015, lần đầu đến với món chơi này, anh bị mê mẩn ngay bởi những chiếc máy phim với thiết kế cổ điển, đơn giản nhưng rất bắt mắt. Bên cạnh đó, để chụp được một tấm hình ưng ý với máy phim, người chụp phải nắm vững những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh, chỉnh đúng tốc độ màn trập, khẩu độ, canh đúng nét... Do đó, thường khi chụp ảnh với máy phim, người chụp cần cẩn thận với từng thao tác từ chọn khung hình đến khi chụp.


Cũng là một người yêu nhiếp ảnh, đã dùng qua nhiều loại máy ảnh số hiện đại, nhưng anh Trần Anh Khoa (phường Phước Hoà, TP. Nha Trang) vẫn không khỏi bị mê hoặc với thú chơi máy ảnh phim này. “Máy ảnh phim giúp bản thân tôi chụp chậm lại, không phải kiểu chụp thoải mái rồi lựa hình sau như máy ảnh số. Với máy phim, tôi phải quan sát kỹ càng hơn, chăm chút hơn cho những tấm hình, như kiểu mình sống chậm lại vậy. Ngoài ra, cảm giác hồi hộp chờ đợi sản phẩm từ những cuộn phim chụp xong, mang gửi đi các lab để scan hình cũng rất thú vị” - anh Khoa chia sẻ. Vừa đến với thú chơi này, nhưng anh cũng khá dày công để sưu tầm các loại máy ảnh phim khác nhau như Mamiya C3 (khổ phim 6x6 medium format), Zeiss Ikon 532/16, Nikon F2, Kodak Retina IIIc, Nikon F90x...

 

Anh Trần Anh Khoa chụp hình bằng chiếc máy phim Mamiya C3.

Anh Trần Anh Khoa chụp hình bằng chiếc máy phim Mamiya C3.


Theo những người chơi máy phim, hiện nay, giá thành các thân máy, ống kính máy phim cũng không quá đắt tiền nên mọi người dễ tiếp cận, chỉ cần khoảng 2 đến 4 triệu đồng là có thể sở hữu một thân máy và một ống kính cơ bản... Tại TP. Nha Trang, phong trào chơi máy ảnh phim cũng được duy trì nhiều năm nay, sân chơi chung của mọi người là nhóm “Nha Trang film Photography Group” trên mạng xã hội Facebook với hơn 1.500 thành viên. “Tôi rất thích ảnh phim, không có điều kiện để đi chụp nhiều nên tôi hay truy cập vào nhóm để xem những tấm hình của những người khác chụp và chia sẻ. Với những tấm hình từ máy phim ra, cảm giác rất khác so với từ máy ảnh số, rất hoài cổ và nhiều cảm xúc, đặc biệt là ảnh đường phố” - anh Cao Đức Đại, một thành viên của nhóm chia sẻ.


Lắm công phu


Trước đây, ở Nha Trang còn một tiệm ảnh duy nhất nhận scan phim máy ảnh ra file ảnh số cho người chơi, nhưng cửa tiệm này đã không còn nhận làm dịch vụ này cách đây 4, 5 năm. Vậy nên, mỗi khi chụp xong, mọi người lại phải gửi phim vào tận TP. Hồ Chí Minh hoặc gửi ra Hà Nội để scan. Ngoài việc phải chờ lâu hơn, thì các bạn trẻ cũng không khỏi nơm nớp lo thành quả chụp của mình bị thất lạc đâu đó.


Trót “nghiện”, thế nên trước cảnh chật vật phải gửi hình đi scan, thì anh Trần Nguyễn Bảo Duy đã chọn cách tự tìm hiểu, mày mò tất cả những kiến thức, tài liệu về kỹ thuật tráng, scan phim để tự tay tráng cho những thước phim mình chụp. Qua góp nhặt kiến thức, anh dày công đặt mua những loại hoá chất từ nước ngoài về, pha chế theo công thức, rồi tự làm phòng tối để tráng phim. “Ban đầu, tôi thử với việc tráng phim đen trắng trước, phải sau hơn 1 năm mới thành thạo với loại phim này. Tiếp đến, tôi lại thử sức với phim màu, qua phải hơn 3 năm tìm hiểu về kỹ thuật và tráng phim, giờ đây tôi đã có thể tự tráng, scan phim cho mình và những bạn bè ở Nha Trang” - anh Duy chia sẻ.

 

Sản phẩm  hình chụp bằng máy phim được tráng, scan thành file ảnh  với chất màu hoài cổ.

Sản phẩm hình chụp bằng máy phim được tráng, scan thành file ảnh với chất màu hoài cổ.


Còn với anh Trần Anh Khoa, cái khó với anh là phải tìm tòi, nắm được từng loại phim phù hợp cho từng môi trường sáng thích hợp để chụp. Anh Khoa nói: “Mỗi một bối cảnh chụp sẽ yêu cầu một loại phim khác nhau nên tôi phải định hình được trước, chọn đúng loại phim. So với máy ảnh số thì chơi máy phim cũng cực hơn nhiều, vì khi hỏng hóc gì đó, việc tìm thợ sửa được đã khó, rồi tìm được linh kiện để thay thế phần bị hư hỏng còn khó hơn nhiều”.


Cùng đó, để duy trì được thú chơi này, bên cạnh bỏ ra số tiền ban đầu, các bạn trẻ cũng phải chi không ít tiền để mua phim chụp, với mỗi cuộn phim loại phổ thông của hãng Kodak hay Fujifilm, giá thành dao động từ khoảng 175.000 đồng trở lên, có những loại lên đến hơn 400.000 đồng/cuộn với từ 24 đến 36 kiểu ảnh/cuộn. “Mỗi lần kéo cò và bấm nút chụp là xác định mất một ít tiền, nên món này chơi lâu cũng khá tốn kém. Có khi tôi mua một cuộn phim về chụp cả tháng trời mới xong, một phần do món này không chụp nhiều như máy số được mà cần chọn lựa, một phần để đỡ tốn kém” - chị Diêu Phạm Hoàng Vy, một người chơi máy phim chia sẻ.


Trong xu thế xã hội phát triển với tốc độ “chóng mặt”, những tấm ảnh chụp bằng máy ảnh phim mang xu hướng hoài cổ, chân thực vẫn được những người trẻ chọn đến với mong muốn ghi lại khoảnh khắc cuộc sống thật chậm rãi, thư thả. Bên cạnh là một thú chơi, chụp ảnh với máy ảnh phim cũng có một phần ý nghĩa nhất định trong góp phần bảo tồn văn hoá, nghệ thuật nhiếp ảnh.


VĨNH THÀNH