07:02, 02/02/2022

Để con hát bội, đóng đào mẹ coi…

Ở miền Trung, không biết có nơi nào người ta thích hát bội bằng quê tôi hay không, nhưng nơi tôi sinh ra, cùng với bài chòi, ai ai cũng mê bộ môn nghệ thuật này. Ghiền xem đã đành, nhiều khi người ta còn rủ nhau dựng vở, đóng vai, phục vụ người dân vào độ xuân về hay những dịp hội hè.

Ở miền Trung, không biết có nơi nào người ta thích hát bội bằng quê tôi hay không, nhưng nơi tôi sinh ra, cùng với bài chòi, ai ai cũng mê bộ môn nghệ thuật này. Ghiền xem đã đành, nhiều khi người ta còn rủ nhau dựng vở, đóng vai, phục vụ người dân vào độ xuân về hay những dịp hội hè.


Còn nhớ, cách đây hơn nửa thế kỷ, hồi tôi còn nhỏ, bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần có gánh hát bội về quê thì y như rằng, từ xóm trên đến xóm dưới, tất cả rộn lên. Người lớn gặp nhau bàn tán, người khen đào xinh, người khen kép có giọng hát ngọt. Bếp cơm chiều trong những ngày có gánh hát bội về thường đỏ lửa sớm hơn, và khi trời tối, lúc tiếng trống “bùm bùm” xuất hiện thì trên các con đường làng, tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau vang lên í ới. Đám trẻ con thì đứa nào cũng xí xọn, chỉ mong trời tối. Dù rằng trẻ con không có tiền mua vé, nhưng bọn nhỏ nhanh chân lắm, có đủ cách lách qua những bờ rào để vào coi. Tôi không nhớ được ngày xưa mình đã xem bao nhiêu vở tuồng. Mà nhớ sao hết, theo thời gian trôi, số gánh hát ghé qua làng nhiều lắm, mỗi gánh hát đâu phải chỉ diễn một vở. Riêng chuyện lén vào để coi cũng có nhiều kỷ niệm lắm. Có lần, mấy anh bảo vệ canh gắt quá, nên từ chiều, thấy không ai để ý, tôi và ba đứa bạn nữa liền chui vào, nằm dưới gầm sân khấu, đợi tối xem. Ai dè bị phát hiện, bị véo tai đau điếng, năn nỉ hoài mới được ở lại xem.

 

Các nghệ sĩ của Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh  biểu diễn trích đoạn Hai Bà Trưng đề cờ khởi nghĩa. Ảnh: NHÂN TÂM

Các nghệ sĩ của Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn trích đoạn Hai Bà Trưng đề cờ khởi nghĩa. Ảnh: NHÂN TÂM


Coi hát bội thích lắm! Nói lối, xướng, ngâm, hát khách, hát nam… những khúc hát ngân lên theo các làn điệu, khi chậm, khi nhanh, khi trầm, khi bổng, hòa trong tiếng trống chầu lúc nhặt, lúc thưa… Rồi những tiếng giáo, tiếng gươm khua vào nhau loảng xoảng và từng tràng vỗ tay vang lên khi những kẻ hung ác bị những anh hùng đánh gục. Tất cả rất lôi cuốn, làm chúng tôi say mê, thậm chí có nhiều đêm, khi vở diễn kết thúc nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn về, cứ mong tích tuồng kéo dài thêm, để rồi sáng hôm sau, đứa nào đứa nấy thi nhau kể, bình về các nhân vật mới được xem.


Do ở vùng xa thành phố, đi lại khó khăn nên các gánh hát bội về quê tôi diễn đa phần vào dịp sau Tết. Có những năm không mời được đoàn hát về, một số thanh niên trong thôn tụ lại, tự dựng vở để phục vụ người dân theo dạng cây nhà lá vườn. Vì công việc làm nông bận rộn, nên nhiều bà mẹ tỏ ra không đồng tình lắm, nhất là với con gái, nên mới có câu ca dao “Mẹ ơi, đừng mắng con nào/Để con hát bội, đóng đào mẹ coi/Đóng đào, múa kiếm, múa roi/Chân hia, đầu mão trông oai quá chừng”. Đặc biệt, vào những năm chiến tranh, ở vùng giải phóng, phong trào tự luyện tập, tự biểu diễn thế này càng được chính quyền cách mạng khuyến khích, kể cả đối với thiếu nhi.


Tôi nhớ vào dịp Tết năm Bính Ngọ (1966), Đoàn Thanh niên xã có tổ chức cho thiếu nhi các thôn thi đóng kịch. Thiếu nhi thôn 3 của tôi được anh Huynh trưởng thôn tập cho vở “Trưng nữ vương khởi nghĩa”. Tôi được đóng vai Thi Sách, còn hai chị em sinh đôi con của thím Hải ở xóm trên là Hoa được đóng vai Trưng Trắc và Huệ vai Trưng Nhị. Còn thằng Hưng, con chú Bốn Lịch nhà ở gần bến đò được phân công vào vai Tô Định... Vì từng xem hát bội, ít nhiều đã thuộc các làn điệu nên việc tập luyện của chúng tôi không vất vả lắm. Cái khó là đồ hóa trang và phục trang rất thiếu. Tuy vậy, cuối cùng anh Huynh trưởng thôn cũng khắc phục được. Quần áo thì kiếm đồ cũ sửa lại. Hia mang chân, mão đội đầu thì lấy mo cau cắt ra để khâu. Gươm, giáo làm bằng tre. Màu trang điểm trên mặt để cho giống quân, giống tướng thì chọn lá cây, giã ra lấy nước rồi bôi. Hoa mào gà cho nước màu đỏ, lá mướp cho nước màu xanh, cỏ nhọ nồi cho màu đen…

 
Nhưng thật đáng tiếc, vào đêm thiếu nhi thôn 3 của chúng tôi biểu diễn, sau khi Trưng Trắc và Thi Sách bước ra sân khấu để mở màn thì bất ngờ từ quận lỵ ở phía bên kia sông Cái, Mỹ đã bắn một tràng pháo loại 105 ly sang. Kèm theo những tia chớp cách sân khấu không xa là những tiếng nổ đinh tai vang lên, đất đá bay ào ào làm cho ai nấy chạy tán loạn. Chúng tôi cũng vậy, vội vàng lao xuống đất, lần dò trong bóng tối để chạy về nhà. Thật may, hôm ấy, thiếu nhi lẫn người lớn không ai bị sao cả. Cũng từ đó, chiến tranh ngày càng ác liệt. Người dân quê tôi, đa phần bị Mỹ đưa lên trực thăng, đưa vào các khu dồn, một số chạy thoát, đã lên rừng, bám trụ cùng du kích. Tất cả chỉ trở lại sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất.


Những năm gần đây, thỉnh thoảng cũng có đôi gánh hát về diễn song người xem thưa hơn xưa. Riêng chúng tôi, chuyện trốn vào để “xem cọp” hay đóng đào, đóng kép thì khó mà quên được. Hai năm trước, trong một lần về quê, ngồi chơi với bạn cũ, tự dưng Hoa nhắc chuyện biểu diễn vở “Trưng nữ vương khởi nghĩa” ngày nào, rồi đọc: “Mẹ ơi, đừng mắng con nào/Để con hát bội, đóng đào mẹ coi”. Nghe vậy, tôi nhìn Hưng, bảo: Nhớ hồi xưa chiến tranh ác liệt vậy mà bọn mình cũng yêu đời chứ ông!


Hoàng Nhật Tuyên