06:02, 13/02/2021

Ước mơ về một thành phố đáng sống!

Những ai yêu mến Nha Trang đều mong muốn thành phố biển sẽ trở thành một đô thị hiện đại, văn minh mang tầm quốc tế. Đó không chỉ là một trung tâm kinh tế của cả khu vực mà còn là thành phố giàu bản sắc văn hóa, có môi trường sống bền vững.

Những ai yêu mến Nha Trang đều mong muốn thành phố biển sẽ trở thành một đô thị hiện đại, văn minh mang tầm quốc tế. Đó không chỉ là một trung tâm kinh tế của cả khu vực mà còn là thành phố giàu bản sắc văn hóa, có môi trường sống bền vững.


Từ chuyện về một ý tưởng quy hoạch


Tôi ngồi với kiến trúc sư (KTS) Phan Tấn Lộc (việt kiều Pháp hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh) ở cà phê Bốn Mùa (TP. Nha Trang) trong chiều cuối năm. Tiếng sóng vỗ vào bờ cát như lời cha ông vọng về từ nghìn xưa, nhắc nhớ về mảnh đất với biết bao trầm tích văn hóa - lịch sử mà thế hệ hôm nay cần phải tiếp nối dựng xây nên một thành phố văn minh, đẹp giàu.

 


Sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, từ nhỏ, Phan Tấn Lộc đã đau đáu ước mơ theo học kiến trúc để góp phần xây dựng quê hương thành một “thành phố đáng sống”. Chính vì vậy, đầu thập niên 90, khi đang học kiến trúc ở Trường Escole d’Architecture Paris - la Défense  (Pháp), ông đã chọn Nha Trang làm đề án tốt nghiệp với ý tưởng chính xây dựng Nha Trang thành đô thị tầm cỡ quốc tế.


Với tầm nhìn rộng mở, ngay từ khi ấy, KTS Phan Tấn Lộc không bị chi phối bởi sự phân chia của đơn vị hành chính, thay vào đó dựa theo điều kiện tự nhiên, ông quy hoạch Nha Trang - Diên Khánh (được bao bọc bởi các dãy núi theo hình cánh cung) thành một đại đô thị (Metropolitan city). Song song với trục bắc - nam bám theo đường Trần Phú, ông đã mạnh dạn đề xuất phát triển thành phố theo trục tây - đông (ông gọi là trục lịch sử) với thành Diên Khánh là gốc rồi kéo dài đường 23-10 hướng thẳng ra biển. Ngay từ lúc ấy, ông Lộc đã gợi ý phát triển Nha Trang theo hướng đô thị đa trung tâm để hạn chế tình trạng kẹt xe, di dân. Trong việc xây dựng ở phía tây đường Trần Phú cần phải có độ lùi và khoảng hở (không xây dựng các công trình cao tầng san sát nhau), dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ cộng đồng.


Thời gian trôi đi, mỗi lần trở về thành phố quê hương, ông cảm nhận Nha Trang ngày một khác. Đời sống của người dân ngày càng đi lên, nhưng đổi lại, thành phố biển đã mất đi không ít vẻ đẹp của riêng mình. “Nhìn con đường Trần Phú chật kín khách sạn cao tầng, che chắn tầm nhìn ra biển, đánh mất đi những nét đẹp vốn có…, tôi thật sự tiếc nuối! Đành rằng, sự phát triển ấy có thể mang lại lợi ích kinh tế tức thời nhưng về lâu dài sẽ là một sự mất mát khó có thể bù đắp được”, KTS Phan Tấn Lộc bày tỏ.


Đến kỳ vọng về sự phát triển bền vững


Là người “ngoại đạo”, tôi vẫn hiểu rằng một ý tưởng quy hoạch dù rất đẹp đẽ nhưng để triển khai không hề dễ dàng. Câu chuyện với người KTS nặng lòng với quê hương để lại trong tôi nhiều điều suy nghĩ về việc phát huy lợi thế của Nha Trang, kiến tạo nên một đô thị hiện đại với môi trường sống nhân văn bền vững.


Tạo hóa đã ban tặng cho xứ Trầm Hương địa hình tự nhiên độc đáo, lan tỏa đan xen của các yếu tố tự nhiên như núi, biển, sông nước cùng với các khu đầm vịnh, tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Chính vì lẽ ấy, lần đầu tiên đặt chân đến Khánh Hòa năm 1897, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã xiêu lòng với vẻ đẹp của Nha Trang. Ngay từ khi ấy, Paul Doume đã đánh giá Nha Trang là “một góc đẹp của thế giới, niềm nở và đáng yêu, không hề hẹp hòi cũng không giả tạo. Rất nhiều người đi qua Đông Dương sẽ cư trú ở đây, nếu họ được chọn”.


Cho đến nay, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đánh giá Nha Trang có đủ điều kiện để vươn tầm, trở thành một đô thị tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Các thế hệ lãnh đạo của Khánh Hòa đều nuôi khát vọng nâng tầm Nha Trang, định hướng xây dựng thành phố biển trở thành “Trung tâm du lịch, trung tâm tổ chức sự kiện có ý nghĩa quốc gia và quốc tế; trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” - điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012) . Với định hướng đó, trong những năm qua, Nha Trang phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình khách sạn cao cấp, các khu đô thị mới và hệ thống hạ tầng giao thông cũng đang được kiện toàn.


Tuy nhiên, trong việc xây dựng và phát triển thành phố cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo các KTS, nhiều năm qua, Nha Trang đã quá tập trung vào trục đô thị ven biển. Trong khi trục đô thị dọc theo sông Cái (từ cầu đường sắt ra đến biển) chưa được chú trọng triển khai. Nhiều dự án ở khu vực phía tây bị chậm tiến độ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển không gian đô thị của thành phố. KTS Ngô Viết Nam Sơn có lần chia sẻ: “Giá trị của Nha Trang không phải là các tòa cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng xếp một hàng dọc bờ biển, mà là không gian, môi trường và tầm nhìn ra biển”.


Để dần khắc phục những hạn chế, bất cập đang diễn ra, hiện nay, UBND tỉnh đang tiến hành triển khai xây dựng đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở lần điều chỉnh này, UBND tỉnh quyết tâm tạo những đột phá, như ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh từng chia sẻ: “Khu vực TP. Nha Trang có tính chất đặc thù, có yếu tố nhạy cảm về cảnh quan và môi trường nên cần những ý tưởng quy hoạch mang tầm chiến lược, hiện đại và định hướng lâu dài”.


KTS Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hội KTS tỉnh cho rằng, những gợi ý về quy hoạch thành phố theo hướng đa trung tâm, phát triển kiến trúc đô thị theo phương pháp thẳng góc bờ biển… cần được xem xét, tiếp nhận có chọn lọc để chuyển hóa vào trong bản quy hoạch lần này. Hy vọng tỉnh sẽ dành nhiều quỹ đất có vị trí đẹp để xây dựng các công trình văn hóa như: bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm, công viên…, bởi như một nhà văn hóa đã nói: Những thành phố văn minh là những thành phố biết dành những vị trí đẹp nhất cho các công trình văn hóa!


T.N