09:02, 13/02/2021

Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đón năm mới hạnh phúc đủ đầy.

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đón năm mới hạnh phúc đủ đầy.

 


Chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh hơn 1ha của gia đình ông Đỗ Văn Khá (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh). Trong vườn, nhiều cây bưởi đầy trái căng mọng sẵn sàng xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Ông Khá phấn khởi nói, với 50 gốc đang cho trái, dự kiến, Tết này gia đình sẽ thu hoạch 2 tấn bưởi, thu về khoảng 70 triệu đồng. Trước đây, trên diện tích 1,2ha đất của gia đình, ông trồng mì, bắp, mè, xoài Úc nhưng hiệu quả không cao. 7 năm trước, gia đình ông chuyển sang trồng bưởi da xanh. Thấy cây bưởi da xanh phát triển cho thu nhập tốt, gia đình ông vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trồng thêm. Vài năm sau, gia đình ông tiếp tục được vay 50 triệu đồng để đầu tư thêm cho vườn bưởi. Đến nay, cả vườn bưởi của gia đình đã có 350 gốc, trong đó, 50 gốc đang cho trái. Ông Khá cho biết, bưởi da xanh thu hoạch quanh năm chứ không chỉ vào dịp Tết nên nguồn thu ổn định. Với giá bán thương lái mua tại vườn trung bình 30 - 35.000 đồng/kg, lúc thấp cũng 27 - 28.000 đồng/kg, trung bình mỗi cây bưởi 5 năm tuổi cho thu nhập 6 - 7 triệu đồng/năm, ít cũng được 4 triệu đồng/năm.

 

Ông Đỗ Văn Khá vay vốn trồng bưởi da xanh.

Ông Đỗ Văn Khá vay vốn trồng bưởi da xanh.


Gần 20 năm theo nghiệp nuôi biển, lúc thành công, lúc trắng tay nhưng giai đoạn nào ông Nguyễn Văn Minh (thôn Xuân Vinh, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cũng có sự đồng hành của đồng vốn NHCSXH. Ông Minh kể: “Gia đình tôi từng được vay vốn ở nhiều kênh tín dụng chính sách như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, từ khi mức vay 5 triệu đồng, đến nay, tới 100 triệu đồng. Qua đó, giúp gia đình có vốn đầu tư nuôi tôm cải thiện cuộc sống”. Mới đây, ông vay 100 triệu đồng của NHCSXH để thả thêm tôm giống. Hiện nay, ông nuôi 6.000 con tôm hùm xanh, trong đó, 3.000 con hơn 5 tháng, 3.000 con hơn 3 tháng. Hiện nay, giá tôm hùm đang rất cao, tôm hùm xanh 1,2 - 1,3 triệu đồng/kg. Ông Minh chia sẻ, bây giờ cuộc sống gia đình đã ổn và đặt hy vọng vào 2 lứa tôm đang thả nuôi.

 

Nhiều người mua nhà ở xã hội  tại dự án Khu đô thị VCN Phước Long II được vay vốn.

Nhiều người mua nhà ở xã hội tại dự án Khu đô thị VCN Phước Long II được vay vốn.


Tết sắp đến, gia đình anh Trần Đăng Hải (thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh) tranh thủ lúc thời tiết nắng ráo để sản xuất bánh tráng. Đây là mặt hàng tiêu thụ cao trong dịp Tết.  Trước đây, gia đình anh Hải làm thủ công, sau đó, đầu tư làm máy với năng suất gấp cả chục lần. Vì vậy, năm 2019, gia đình anh vay thêm vốn 50 triệu đồng của NHCSXH để đáp ứng nhu cầu sản xuất theo phương thức mới. Trung bình mỗi ngày, gia đình sản xuất khoảng 200 - 300 ràng bánh nhưng gần Tết sản xuất 380 ràng/mỗi ngày nếu thời tiết thuận lợi. Nguyện vọng của gia đình anh tiếp tục được vay vốn đầu tư máy sấy để làm bánh tráng không còn phụ thuộc vào thời tiết.


Năm nay, gia đình anh Thanh (TP. Nha Trang) sẽ được đón Tết trong tổ ấm mới. Đó là 1 căn nhà ở xã hội có diện tích hơn 66m2 tại dự án Khu đô thị VCN Phước Long II. Căn nhà trị giá gần 900 triệu đồng, trong đó, gia đình dồn tiền tiết kiệm thanh toán 20% giá trị căn nhà, số tiền còn lại, NHCSXH giải ngân cho vay 710 triệu đồng. Anh Thanh chia sẻ: “Cuối tháng 12-2020, chủ đầu tư đã bàn giao nhà. Sau bao năm thuê trọ, thật mừng gia đình tôi đã có chốn an cư. Có được điều đó đều nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH bởi thu nhập hiện tại của vợ chồng tôi rất khó để mua nhà”. Đó cũng là niềm vui chung của hàng trăm gia đình được vay vốn NHCSXH tỉnh. Đến ngày 31-12-2020, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 tại NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đạt gần 195,5 tỷ đồng với 491 khách hàng được vay vốn. Điều này cho thấy sự quan tâm của NHCSXH Trung ương trong việc bố trí cân đối vốn cho tỉnh Khánh Hòa; cũng cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của NHCSXH tỉnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân khi mua hoặc thuê mua, xây mới, sửa chữa nhà ở xã hội trong khả năng cân đối nguồn vốn được Trung ương chuyển về. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và NHCSXH Trung ương đều đánh giá cao NHCSXH tỉnh trong việc triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.


Tháng 9-2020, tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH đánh giá, NHCSXH tỉnh đã làm tốt công tác truyền thông về các chương trình tín dụng chính sách; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Khánh Hòa đã tranh thủ tốt nguồn vốn Trung ương và huy động được nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác để cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay; chương trình cho vay nhà ở xã hội tuy mới triển khai nhưng đạt kết quả tốt; chất lượng tín dụng tương đối ổn định.


NAM DU

 


 

Ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc Phụ trách NHCSXH tỉnh Khánh Hòa: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn 3.112 tỷ đồng, với 134.352 hộ gia đình thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình đặc thù của tỉnh. Vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho 28.602 hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Qua đó, góp phần giúp 5.101 hộ thoát nghèo; 3.387 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường; tạo 3.870 việc làm. Ngoài ra, nguồn vốn còn cho các hộ vay xây dựng mới, cải tạo 80.461 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; tạo điều kiện cho 491 hộ được an cư theo chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ…