12:02, 12/02/2021

Tiếp tục phấn đấu để Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ lớn của cả nước

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội địa phương vẫn có bước phát triển.

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương vẫn có bước phát triển. Với những giải pháp mới trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, Khánh Hòa đang kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025.

 

Ông Nguyễn Tán Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa


Nhằm đạt được mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020, từ đầu năm, UBND tỉnh đã tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch đề ra theo từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, kéo dài, cùng với các tác động của thiên tai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Cả hệ thống chính trị phải ưu tiên tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Trung ương; đồng thời phải nghiên cứu, kịp thời xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế.


Nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, bền bỉ vượt qua thử thách nên KT-XH của tỉnh vẫn có sự phát triển. Cụ thể như: Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả tích cực với 25 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 7.701,7 tỷ đồng (năm 2019, toàn tỉnh thu hút được 13 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.717,3 tỷ đồng), tạo động lực cho phát triển kinh tế trong những năm tới; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; quan hệ đối ngoại, thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều tín hiệu khởi sắc; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao.


Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công


Đứng trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh xác định việc phải quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Theo tính toán, sau khi cắt giảm kế hoạch vốn các dự án bị vướng bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư chậm không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2020, sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thời gian để xử lý khó khăn, vướng mắc, không gây áp lực giải ngân vốn cho chủ đầu tư nói riêng và của tỉnh nói chung trong năm 2020. Vì vậy, tỉnh đã thực hiện rà soát, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án bị vướng bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư chậm không có khả năng thực hiện giải ngân hết vốn trong năm; bố trí vốn cho các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.


UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; thành lập Tổ tư vấn, Tổ giúp việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh; giao lãnh đạo UBND cấp huyện theo dõi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của các dự án đầu tư công để thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ đạo giải quyết các nội dung công việc theo thẩm quyền hoặc báo cáo, tham mưu kịp thời lên cấp trên xem xét trong trường hợp vượt thẩm quyền. UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các Kho bạc Nhà nước địa phương có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các chủ đầu tư về trình tự thủ tục, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành công trình nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, thẩm định giá đất bồi thường để trình UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện phê duyệt phương án và chi trả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án theo quy định… Đặc biệt, tỉnh yêu cầu xác định trách nhiệm cụ thể các sở, ngành, địa phương, tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ triển khai thực hiện và giải ngân vốn, đề xuất hướng giải quyết, khắc phục, làm cơ sở để UBND tỉnh xem xét, quyết định giao chủ đầu tư thực hiện các dự án trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.


Nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển


Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025, năm tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong khởi đầu một giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở phát huy, kế thừa các thành tựu đạt được và tiếp tục khắc phục các tồn tại yếu kém trước đây, để đảm bảo ổn định tình hình xã hội, tiếp tục phát triển kinh tế và tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, tỉnh đề ra một số giải pháp thu hút đầu tư, phát triển KT-XH như sau:


Triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là ngành du lịch, người lao động mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.


Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nhân lực... để thu hút đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.


Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là về an sinh xã hội; cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay ưu đãi, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của dịch Covid-19.


Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng.


Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.


Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn, quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới như: Hạ tầng khu - cụm công nghiệp, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, điện khí, các dự án du lịch cao cấp...


Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…


Những triển vọng, vận hội mới


Phát huy tiềm năng mọi mặt, lợi thế đặc hữu của 3 vịnh biển nổi tiếng thế giới, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ quan thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh: TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh và KKT Vân Phong. Trong đó, khu vực vịnh Vân Phong là vùng kinh tế trọng điểm, động lực, khu kinh tế ven biển khu vực Nam Trung Bộ và cả nước. TP. Nha Trang là vùng trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội gồm: Chương trình phát triển nguồn nhân lực, Chương trình phát triển đô thị, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa và điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang. UBND tỉnh đã chỉ đạo đến tháng 4-2021, phải trình thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang, đến tháng 12-2021 trình phê duyệt quy hoạch; phấn đấu đến tháng 12-2021 trình thẩm định Đồ án Quy hoạch tỉnh, đến tháng 6-2022 trình phê duyệt quy hoạch. Trong năm 2021, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Mặt khác, sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh tổ chức việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch. Đây là một tín hiệu tốt, tác động tích cực lên khu vực này trong thời gian tới. Với những nội dung hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển tổng thể và tài trợ công tác tổ chức lập quy hoạch; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ xúc tiến đầu tư…, tỉnh kỳ vọng KKT Vân Phong sẽ phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực.


Trong năm 2020, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm nghiên cứu và đề xuất các dự án đầu tư tại Khánh Hòa, đặc biệt là các dự án công nghiệp năng lượng có quy mô lớn tại KKT Vân Phong. Các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư các tổ hợp điện khí và kho khí hóa lỏng LNG trong các phân khu chức năng công nghiệp lớn tại khu vực nam Vân Phong với số vốn đăng ký dự kiến hàng chục tỷ USD. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Công Thương về một số địa điểm có tiềm năng đầu tư điện khí để bộ nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia. Những nội dung này đang được nghiên cứu bổ sung, cập nhật trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT do Ban Quản lý KKT Vân Phong thực hiện. Các dự án khi được thông qua, triển khai xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết về lao động việc làm, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của địa phương và tạo động lực, sức hút lan tỏa cho KKT Vân Phong. Ngoài ra, tại khu vực bắc Vân Phong cũng đang có các nhà đầu tư quan tâm đầu tư khu phi thuế quan… Với các tín hiệu đáng mừng nói trên, hy vọng trong tương lai không xa, KKT Vân Phong sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn, hiện đại của khu vực và cả nước. Từ đó, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025: Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.


Một mùa xuân mới đang về, mang theo sức sống mới, niềm tin mới. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 để tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

 

Nguyễn Tấn Tuân

- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa