09:02, 12/02/2021

Tài hoa từ chiếc mặt nạ tuồng

Trong ánh đèn sân khấu, dưới bàn tay tài hoa của các diễn viên, khuôn mặt của họ dần hiển hiện thành nhân vật dũng tướng, sĩ phu hay kẻ gian thần, nịnh hót…

Trong ánh đèn sân khấu, dưới bàn tay tài hoa của các diễn viên, khuôn mặt của họ dần hiển hiện thành nhân vật dũng tướng, sĩ phu hay kẻ gian thần, nịnh hót…


“Hoa tay thảo nét vẽ”


Ngày cuối năm. Phố phường đã chộn rộn không khí đón xuân. Nhưng nơi góc sân Trung tâm Hội nghị tỉnh, hơn chục nghệ sĩ tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vẫn bình lặng ngồi trau chuốt từng nét vẽ. Quết đều lớp dầu đặc biệt lên mặt rồi phủ phấn trắng, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hải cầm cây cọ nhỏ, chấm màu đen, chầm chậm kẻ một vòng cung nhỏ trên đầu chân mày hướng đến giữa chân mày, rồi nhẹ nhàng phớt một đường xéo hướng về phía thái dương. Ông đổi cọ sang tay trái, vẽ tiếp hình đối xứng ở nửa kia khuôn mặt, rồi tỉ mỉ vẽ tiếp đường viền bao quanh hình. Lúc này, người xem đã thấy rõ đôi mày xếch của một vị tướng được bao bởi hình ảnh đôi chim chụm mỏ. Gần đó, nghệ sĩ Diệp Thị Ái Loan cũng đang chăm chú vẽ nét tóc mai cho nhân vật nữ tướng Đào Tam Xuân. Dưới bàn tay của các diễn viên, từng nhân vật xưa dần hiển hiện như có phép màu: Tạ Ôn Đình, Lưu Khánh, Chung Vô Diệm… Dường như, linh hồn của tuồng được gửi gắm vào từng chiếc mặt nạ độc đáo.

 

Nhiều diễn viên lấy được cảm xúc của khán giả một phần nhờ sự hóa trang tài tình.

Nhiều diễn viên lấy được cảm xúc của khán giả một phần nhờ sự hóa trang tài tình.


Để có một vở tuồng thành công, vẽ mặt nạ là công đoạn vô cùng quan trọng của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nghệ sĩ Nhân dân Lưu Kim Hùng cho biết, tuồng có tính ước lệ, cách điệu rất cao. Mỗi nhân vật trong tuồng có một vẻ mặt riêng mà chỉ cần nhìn thoáng qua, khán giả cũng nhận ra ngay nhân vật. Mặt nạ tuồng có mấy màu cơ bản, trắng, đen, xanh, đỏ…, được thể hiện rất cân đối hai bên nửa khuôn mặt. Nhân vật thiện hay ác, dũng cảm hay hèn nhát, trung hay nịnh… đều thể hiện qua chiếc mặt nạ tuồng. Dưới ánh đèn sân khấu, màu sắc mặt nạ tuồng phải đậm, đường nét phải rõ để tăng độ biểu đạt. Sau khi vẽ mặt, vào vai, người diễn phải điều khiển cơ mặt, đôi mắt, khóe miệng… để thể hiện sống động gương mặt khi giận dữ, lúc nghi ngờ hay mừng vui...

 

Vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Võ Xuân Hùng - Nguyễn Thị Kim Thời trước buổi diễn.

Vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Võ Xuân Hùng - Nguyễn Thị Kim Thời trước buổi diễn.


Xưa nay, diễn viên tuồng đều phải tự hóa trang. Vì vậy, tuy vẫn giữ chuẩn mực về mặt nạ của từng loại nhân vật nhưng mỗi mặt nạ vẫn thể hiện được tính cách, “hoa tay” của người vẽ. Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hải cho biết, vẽ mặt nạ tuồng nhìn chung theo thứ tự tạo nền, mảng khối lớn trước và vẽ chi tiết sau. Nói nghe đơn giản vậy, nhưng ông làm nghề gần 30 năm cũng phải mất gần chục năm mới vẽ được thành thạo bằng hai tay, trung bình vẽ một mặt nạ mất hơn 1 giờ. Cô nghệ sĩ trẻ có 4 năm tuổi nghề Trần Thị Kim Thoa chia sẻ: “Ban đầu, nhìn mặt nạ, tôi không sao hình dung phải vẽ nét nào trước, nét nào sau, tô màu ra sao, tay cầm cọ rất vụng về. Để vẽ mặt nạ, diễn viên không chỉ ghi nhớ chi tiết, đường nét mà còn phải cảm được tính cách, thân phận nhân vật. Tập riết, tôi mới vẽ được nửa khuôn mặt, phần đối xứng còn lại vẫn phải nhờ người vẽ giùm”.


Giữ “lửa” nghề


Trong nghệ thuật tuồng, mặt nạ là “đạo cụ” sân khấu rất quan trọng. Nó góp phần tạo nên cái hồn, cái chất của tuồng. Vì vậy, diễn viên tuồng không chỉ biết hát, mà còn phải như họa sĩ, tự vẽ được mặt nạ cho mình. Nhưng để nhân vật có hồn còn cần đến tài diễn xuất của diễn viên. Họ khiến những khán giả vốn đã thuộc lòng tuồng tích, quen với hình ảnh nhân vật vẫn phải say mê dõi theo từng nét diễn. Muốn vậy, vẽ mặt nạ xong, bước ra sân khấu, họ phải quên ngay con người thật của mình, để hóa thân là quân vương hay ái thiếp,  võ tướng hay gian thần, thần linh hay quỷ dữ. Họ phải tỉnh thức từng giây trong chiếc mặt nạ tuồng, đưa khán giả đắm chìm theo cảm xúc của nhân vật.

 

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh  giới thiệu một số nhân vật tuồng tiêu biểu với công chúng.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh giới thiệu một số nhân vật tuồng tiêu biểu với công chúng.


Nghệ sĩ Ưu tú Võ Xuân Hùng kể, hồi nhỏ, chiều đến, cứ nghe tiếng trống chầu là ông lại thấy nôn nao, phải lội qua sông bằng được để mua tấm vé vào coi tuồng. Tình yêu tuồng đã ngấm vào máu và vợ chồng ông đến với nhau cũng từ những đêm diễn chung đoàn. Vợ ông, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Thời chia sẻ, 30 năm theo nghề, tình yêu bà dành cho tuồng chưa lúc nào vơi. Đôi lần bị bệnh, phải nghỉ diễn hàng chục buổi, bà cũng bật ti vi coi tuồng cho đỡ nhớ. Ông bà khẳng định luôn gìn giữ truyền thống 3 đời theo nghiệp tuồng của gia đình. Giờ đây, con gái của ông bà cũng đang chơi nhạc cho đoàn dân ca. Nghệ sĩ Bùi Vy Phương cũng tâm sự, chỉ cần nghe tiếng trống là ông không còn nhớ đến bản thân nữa. Sau mỗi buổi diễn, nếu thấy mình múa chưa đẹp là đêm đó ông trằn trọc mất ngủ.


Trong cơn gió se sắt lạnh ngày cuối năm, Nghệ sĩ Nhân dân Lưu Kim Hùng tư lự nói, trăn trở duy nhất của ông và nhiều diễn viên là ngày nay không nhiều người trẻ hiểu tuồng, muốn xem tuồng. Vì vậy, các diễn viên càng khao khát diễn nhiều hơn nữa, để góp phần đưa nghệ thuật độc đáo này tới công chúng.


TIỂU MAI - THANH TRÚC