09:02, 13/02/2021

Nhớ nhà văn Võ Hồng

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, Phú Yên; mất ngày 31-3-2013. Ông là một tên tuổi lớn ở Nha Trang, một nhà giáo rất được mọi người yêu quý. Cuộc sống của ông ở căn nhà số 53 Hồng Bàng rất đơn độc vì con cái đều ở nước ngoài. Có một chị quen thường xuyên tới giúp ông trong mọi công việc.

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, Phú Yên; mất ngày 31-3-2013. Ông là một tên tuổi lớn ở Nha Trang, một nhà giáo rất được mọi người yêu quý. Cuộc sống của ông ở căn nhà số 53 Hồng Bàng rất đơn độc vì con cái đều ở nước ngoài. Có một chị quen thường xuyên tới giúp ông trong mọi công việc. Nơi đây cũng là nơi lưu tới của các nhà văn, nhà thơ và người ái mộ ông. Tôi vẫn thường ghé thăm ông vào dịp trước và vào mùng ba Tết theo phong tục “Mùng ba Tết  thầy” trong hơn 10 năm, kể từ năm 1991, khi lần đầu tiên tôi tới nhà ông để phỏng vấn cho một bài viết số Tết. Giai đoạn từ năm 2006, do tuổi cao và bệnh, ông gần như chỉ nằm trong căn phòng của mình, không ra khỏi nhà. Nếu có việc gì, ông nhờ đứa cháu đem thư đi hoặc gọi điện cho ông.

 


Căn nhà của ông nằm giữa con phố im ắng, phía trước là căn phòng nhỏ luôn đóng của. Mỗi lần đến nhà ông, tôi thường kéo cái dây lắc chuông báo hiệu và khi nào cũng vậy, rất hiếm khi ông vắng nhà, ông đi bộ xuống những bậc cấp từ căn phòng nhỏ của mình trên tầng 1, mở cửa. Ông thường dùng tới 2 chiếc kính viễn để đọc sách hoặc nhận người đối diện, nhưng với tôi thì ông rất quen giọng nói, ông bảo: “Trường đến đó à”. Nhà văn ít khi ra đường, nếu không ghé bưu điện trên đường Ngô Gia Tự để lãnh nhuận bút do tòa soạn báo nào đó gởi tới. Ông thường đi bộ, vì không thể đi xe đạp được nữa. Trong xưng hô, ông vẫn thường thích xưng mình là qua, còn đa phần người tới thăm ông đều gọi là thầy.


Trước căn phòng ông ở có một khoảng xi măng trống, ở đây có thể bắt gặp cây mận nhà hàng xóm trĩu trái và sinh hoạt nhà bên ấy trong bóng nắng. Đến thăm ông vào ngày giáp Tết, ông cùng tôi ra đó ngồi, có mấy chiếc ghế để sẵn. Lúc nào ông cũng có một chai rượu nho do ai đó tặng. Rượu tự làm rất ngon nhưng tôi chỉ uống một ly cho phải phép và ngồi nghe ông nói chuyện. Những câu chuyện ngày giáp Tết đã phảng phất không khí xuân. Ông hỏi về không khí chợ Tết, về tình hình buôn bán và bài vở báo Tết. Ông bảo tôi rằng ông nghe được hương vị của mứt Tết, rằng Tết chính là cái không khí làm mứt, nó làm chộn rộn lòng người. Nhà bên cạnh đang làm mứt Tết thật, những nong phơi mứt dừa đã làm xong lung linh trong nắng. Nhà văn đã cảm nhận được mùi Tết từ những nong mứt Tết phơi trong nắng chiều cuối năm.


Ngày Tết, không cần kéo dây gọi, cánh cửa sắt chính của nhà ông luôn mở cửa đón khách. Sự yêu quý nhà văn gần như không bao giờ cạn trong lòng độc giả, và mọi người đều sắp xếp thời gian để thăm ông trong ba ngày Tết. Trong căn phòng đã cũ đó có chậu bông, có nhánh mai ai đó tặng, có dăm chai rượu nho cũng do thân hữu tự làm đem tới để ông mời khách trong ngày Tết. Căn nhà không sơn mới, chẳng treo đèn kết hoa, chỉ là mở cửa để đón ngọn gió xuân từ bên ngoài thổi vào. Chỉ là để nhà văn ngắm nhìn nhân gian đang vui Tết với xe cộ rộn ràng, trẻ con mặc quần áo mới ngang qua, và để cho tiếng lon sữa bò cài trên cây dẫu không ai kéo dây nhưng thỉnh thoảng gió vẫn lén lắc nhẹ phát ra những âm thanh vui.


Ngày Tết, tôi và gia đình đến thăm ông. Căn nhà vừa được quét lên lớp vôi mới để đón xuân hay đón một người con ở xa của ông trở về. Một mình ông tiếp khách. Căn phòng ấy với chiếc hộp đựng mứt mà ông nói đã có 37 năm tuổi. Cây hoa trạng nguyên ai tặng ông đang nhuộm hồng màu lá. Ngày sinh nhật, ông trải khăn trên chiếc bàn quen. Những đóa hồng cắm lên. Không phải ông chọn những lễ nghi để sống đâu mà đó là cả tấm lòng của ông đối với tất cả những người yêu quý ông, tìm đến sẻ chia với ông ngày vui kỷ niệm. Tôi đã hút hết điếu thuốc cuối cùng chiều ba mươi Tết, trở về nhà chuẩn bị cho chiều cuối năm, để trên kệ sách gói thuốc lá Võ Hồng gởi tặng. Ông nghĩ đến người khác như thế đó, trong khi đúng ra mọi người phải nghĩ đến ông mới phải đạo, phải lẽ.


Cũng phải nhắc thêm là ở phòng tiếp khách, ông có một bộ chân đèn bằng đồng, dễ chừng không bao giờ những chân đèn ấy được đánh bóng sáng lên để đón Tết. Ông bảo, cứ để thời gian ở đó, sự đánh bóng không đẹp bằng bộ chân đèn in dấu thời gian ấy.


KHUÊ VIỆT TRƯỜNG