09:02, 13/02/2021

Người đắp "tiểu trường thành" dưới dãy núi Đồng Cam

Năm nay đã 63 tuổi nhưng có đến hơn 32 năm ông vác hàng triệu viên đá đắp thành bức tường đá vây quanh rẫy của mình. Ông là Nguyễn Văn Trọng (thôn Cửu Lợi, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), tác giả của "tiểu trường thành" trên núi Đồng Cam - Hòn Nhọn.

 

Năm nay đã 63 tuổi nhưng có đến hơn 32 năm ông vác hàng triệu viên đá đắp thành bức tường đá vây quanh rẫy của mình. Ông là Nguyễn Văn Trọng (thôn Cửu Lợi, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), tác giả của “tiểu trường thành” trên núi Đồng Cam - Hòn Nhọn.

 
Đào đá đắp thành


Tôi vẫn nhớ nụ cười 20 năm trước, khi lần đầu gặp ông giữa cái nắng như đổ lửa trên trảng cỏ. Khi ấy, ông cười hồn nhiên nói: “Ngày trước, cha nhà thờ tới đây, gặp tôi cuốc đất lọc đá làm rẫy, cha nói con bị quỷ ám rồi!”. Ông chỉ ra cánh đồng xanh lấm tấm người cuốc đất xa: “Dưới kia, cả trên núi, họ nói tôi là gã khùng!”. Tôi đi theo “gã khùng” xem bức “tiểu trường thành” của ông. Gọi là bức vì giữa bầu trời mây cao lồng lộng, cỏ cây ngút ngàn phía đông núi Hòn Nhọn xanh biếc, tường thành đá xếp dưới chân đẹp như bức tranh kỳ vĩ đầy ngỡ ngàng. Đây là đoạn thành lớn nhất, kỳ công nhất mà ông đắp hơn 10 năm đầu tiên trong đời làm rẫy của mình: Phần chân rộng 3m, mặt trên rộng 2m, cao 2,5m, dài gần 500m vững chắc kiên cố. Đứng trên đoạn thành này nhìn sang hai bên thấy những đoạn thành nhỏ khác cao khoảng 1,5m luồn trong cỏ cây như con trăn nâu khổng lồ dài hơn 1.000m bò về phía núi. Tôi chỉ còn biết bái phục sức làm phi thường của ông, một con người bình thường làm nên điều kỳ vĩ có một không ai.

 

ÔngTrọng với bức tường thành của mình.

ÔngTrọng với bức tường thành của mình.


Ông kể, ông chọn miếng đất này như một định mệnh điên rồ vì cỏ tranh, cỏ lác ngút ngàn, nhát cuốc đầu tiên bổ xuống tóe lửa tới nhức mắt vì trúng đá. Ông xoay ra chỗ khác bổ xuống cũng dội lại vì gặp đá. Ngồi xuống nhìn kỹ, ông bàng hoàng nhận thấy rằng đá ở đây nhiều hơn đất. Có cảm tưởng như qua hàng nghìn năm, từ trên dãy núi Hòn Nhọn mưa lũ đổ xuống cuốn toàn bộ đá lớn nhỏ xuống đây ẩn nằm trong đất. Ông chợt nhớ những người khác tìm lên núi chặt cây, phá rừng làm rẫy cho nhanh kiếm được miếng khoai củ sắn, buồng chuối chứ không ai thèm để ý “bãi đá sa bồi” đầy đá gan gà này. Khi đó, ông nằm vật giữa đám cỏ tranh đổ rạp gần như tuyệt vọng, tính bỏ đi thì từ trong sâu thẳm vang lên thách thức: “Sao thua rồi hả, có đúng là miếng đất xương trâu không?” Rồi ông vùng dậy trở về làng cũ, không bỏ cuộc, ông đặt thợ rèn một chiếc cuốc có hai đầu: Một đầu là cuốc chim có hai nhánh, một đầu là cuốc bàn. Đây là công cụ đặc biệt để trị việc bới đất lọc đá. Rồi cứ thế, sau khi cắt cỏ tranh, ông cứ miệt mài giữa cái nắng như đổ lửa để bới đá. Những ngày làm đầu tiên, từ lưng tới mặt, tay chân ông mồ hôi túa ra cùng với máu do cỏ tranh cứa cắt. Nhưng so với bới đá thì chẳng là gì vì đá quá nhiều, những nhát cuốc đầu tiên không hiệu quả, ông phải chuyển sang đào đá như đào củ mài trong rừng. Để tránh cái nắng như dội lửa ban ngày, ông chuyển dần công việc đào đá, khiêng đá vào buổi chiều hay tối. Cứ thế, ông tẩn mẩn làm từng khoảnh lổn nhổn đá thành đất nạc để trồng những cây ngắn ngày kiếm sống như: mì, khoai, đậu và cả mía nữa.


Thấy ông vất vả, người quắt lại, nhiều người bạn than thay: “Mày chẳng có con cái thì hành xác làm gì cho vất vả?”. Ông lặng thinh. Thực ra, ông cũng có người vợ gắn bó với mình hơn 10 năm đầu tiên và một đứa con nuôi. Chỉ có điều, vợ ông không thích kiểu làm “đào đá đắp thành” của chồng vì rất vất vả, không có thu nhập. Bà muốn ông đào đất trồng cây lâu năm như: xoài, mít, điều... giống như những người xung quanh rồi để đấy đi làm mướn, lên rừng hái sa nhân, bẻ chổi đót bán kiếm tiền qua ngày... Ông không chịu nên cuối cùng bà đành từ biệt, bỏ mặc ông cùng căn lều cỏ giữa mảnh rẫy đầy đá gan gà. Ngay cả đứa con nuôi lớn lên cũng không thích làm giống bố, tự ở riêng kiếm sống. Ông chơ vơ giữa miếng đất có những bức tường thành đá của mình suốt từ thời trai trẻ cho đến hôm nay, đã hơn 32 năm có lẻ.


Đâu phải trò chơi ngông?


Nhiều người cho rằng ông Trọng là “dị nhân” trong việc đắp đá làm trường thành, nhưng thực ra việc làm “quái lạ” này có lý do rất thực tế: Một đêm, từ trên núi Hòn Nhọn có tiếng động ầm ầm như tiếng gió lốc. Sáng ra, ông Trọng thấy toàn bộ rẫy khoai mì của mình tan hoang như có ai bẻ, gốc bật khỏi đất, bị cắn gặm nham nhở... Thì ra, đó là bãi chiến trường do đàn heo rừng oanh tạc hồi đêm.

 

Thành quả lao động trên vườn bắp.

Thành quả lao động trên vườn bắp.


Trong phút giây bàng hoàng xót xa, ông chợt nhìn những đống đá mình bới bao lâu nay gom lại như ụ mối. Ông nảy sinh ý tưởng: Đắp tường đá vây quanh rẫy của mình để ngăn thú hoang, chống lửa cháy. Từ đó, ngoài việc bới đá gom lại, ông gánh đá đắp tường. Ban đầu, ông đắp một bức tường mỏng cho nhanh nhưng rồi, các “chiến binh heo rừng” đã ào ạt vượt trường thành, xô đổ tường đá vào rẫy bắp phá chán rồi về núi. Vì vây, ông phải xây dựng lại tường đá theo đúng chuẩn trường thành: Đá lớn đắp vỏ hai bên ngoài, đá nhỏ xếp trong, thành cao hơn 2,5m theo hình thang, đế rộng 3m, mặt thành rộng 2m kiên cố tới mức đối với người muốn vượt qua phải bắc thang, còn như bò, trâu hay heo rừng chỉ có nước “khóc ròng”. Đó chính là nguyên nhân vì sao có bức trường thành độc đáo này.


Chia tay ông, người nông dân năm nay đã 63 tuổi, ông vẫn hồn nhiên như thời trai trẻ: “Tôi làm đây để chứng minh cho mọi người thấy rằng, với người ham làm, yêu quý đất thì không bao giờ hết việc”.


Có thể người nông dân ấy đã dùng quá nhiều sức, quá nhiều thời gian để có được mảnh đất như hôm nay mà nhiều người khác không muốn làm, nhưng dẫu sao, tôi cũng cảm phục ý chí phi thường, niềm lạc quan vô biên của ông. Màu tường thành đã phơi hơn 30 mùa nắng xuân, nay vẫn thế, phơi phới cùng cỏ hoa và nụ cười của người nông dân nghị lực đáng nể này.


Lê Đức Dương