08:02, 16/02/2021

Cam Ranh, hương vị nắng cháy

Đó là những mùa lang thang. Lang thang là cách yêu đời của nó. Mà khi lang thang ở một nơi xứ không bạn bè như Cam Ranh thì nguyên đầy cơ hội đẫm vào không gian ấy, trời đất ấy. Cam Ranh dạy cho nó, là tôi, biết sự tồn tại thực sự của con người, khi có mặt trong vũ trụ phải là đương đầu, chống chọi chứ không phải thuận lợi, phẳng bằng, êm dịu, thụ hưởng.

Đó là những mùa lang thang. Lang thang là cách yêu đời của nó. Mà khi lang thang ở một nơi xứ không bạn bè như Cam Ranh thì nguyên đầy cơ hội đẫm vào không gian ấy, trời đất ấy. Cam Ranh dạy cho nó, là tôi, biết sự tồn tại thực sự của con người, khi có mặt trong vũ trụ phải là đương đầu, chống chọi chứ không phải thuận lợi, phẳng bằng, êm dịu, thụ hưởng. Cái xứ gì mà cây xương rồng rất ưa thích - loài cây lá phải hóa gai để giảm sự thoát hơi nước trong sinh khối. Còn những cây dừa ven biển kia như ưỡn ngực ra để so kè với bão tố, cứ như nó muốn nói “tôi muốn tồn tại”, “tôi chấp nhận”, “hãy nương tay”.

 

Một góc đảo Bình Ba, TP. Cam Ranh.  Ảnh: Vương Mạnh Cường

Một góc đảo Bình Ba, TP. Cam Ranh. Ảnh: Vương Mạnh Cường


Làm sao quên được cái mùi ẩm ướt rất “nhiệt đới” ở đó. Nó tỏa lên từ những đìa tôm của cô bác cần lao. Thế nhân đang vội vã chạy cho kịp giờ tàu ra đảo Bình Ba thì nó vẫn cứ mê đắm trên những đồng tôm. Đồng tôm mà, ruộng nhưng không có màu xanh, trắng phếch màu của nước. “Cuộc đời” chính thật của Cam Ranh là nơi những cánh đồng này, ngoại ô này, chứ không phải phần “thị” ồn ã. Những cánh đồng màu bạc đó cứ nực nực, nồng nồng, tanh tanh, khai khai, mằn mặn hắc lên cái phần “thị”. Gió vẫn cứ thổi ngoài biển vào, qua mắt môi, tóc tai thế đó nhưng sao kỳ, gió mà không thấy mát. Phẩm chất xứ biển. Đây, Cam Ranh, nơi khai sinh ra nghề cho tôm hoang dã đẻ và nuôi tôm sú, “quê hương” của ngành nuôi tôm hàng hóa mà từ ấy lan tràn ra cả nước. Ta không phải người dân xứ này mà bước đi trong lòng nó cũng thấp thoáng tự hào. Ấy là nhớ có những năm người dân thắng lớn với đìa, nhà xây to mọc tưng bừng trên xứ cát, và ai đó còn tậu được thêm nhà ở Nha Trang, Sài Gòn. Ấy là, đôi ba năm không xuống, cho đến khi quay lại thì những đồng tôm rất đỗi... “hoang vu”. Nhìn những miếng gỗ be bé cắm xuống góc vuông tôm để chữ “bán đìa” đây đó mà cõi lòng xót xa. Kia là những kỳ môi trường đồng tôm bị ô nhiễm và dịch bệnh lan tràn. Tôm chết, bỏ đìa. Tôi chỉ muốn nhìn thấy mùa màng bội thu, tha nhân tràn tươi nụ cười với giọt mồ hôi của mình, nhưng thế này thì tôi phải làm sao đây. Dù biết rằng, rẫy nương, ruộng vườn, thủy điền ở đâu trên mặt đất này mà chẳng là cuộc chơi, với được - mất, thắng - thua, hên - xui, hệ lụy vào trời đất, thời cuộc. Cầu nguyện cho đồng tôm kia mùa sau sẽ khác. Là lúc nhớ đến những vòng xoáy trắng xóa từ khối quạt sục nước dưới đìa, và hình bóng cô bác lững thững thăm đồng trong nắng mai.


Và dấu vết kẻ đi mây về gió này cũng khó còn lưu lại bên những quán bún cá vỉa hè hay những quán cà phê ở cái lối vào cảng Ba Ngòi. Nhưng nó nhớ giọng nói chân mộc, ngắn gọn, chắc nặng thanh sắc, không màu mè và thi thoảng độn nhiều phương ngữ của người Cam Ranh. Nó nhìn người Cam Ranh như một “loài hoa” lạ, còn người Cam Ranh nhìn nó như một kẻ trôi sông lạc chợ. Có đêm nó bước vào một quán cà phê, ôm cây guitar hát cho mọi người ở đó nghe, mở đầu bằng nhạc phẩm “Biển nhớ” và kết thúc bằng bản “Rong chơi cuối trời quên lãng”, rất chủ quan thầm ý muốn xứ biển dang tay với nó. Họ không biết ngày hôm sau nó về lại miền thượng hay lại lang thang đâu đó ngoài đồng tôm kia, hay trên bến cảng.


Thế thì cái gì ở Cam Ranh phai nhạt được với nó? Kể cả những vườn xoài lùi sâu vào phố xá, cùng những căn nhà của thị dân nửa phố nửa quê ẩn khuất le lói trong màu xanh. Mùi mật thơm vào mùa trái rụng vẫn còn dư hương chua ngọt mà nhắc đến thì đầu lưỡi cứ lung lay. Nó biết đất Cam Ranh này, những vườn xoài còn thân thuộc máu thịt với cư dân ở đó hơn cả đồng tôm, từ thuở miền thượng của nó chưa từng xuất hiện giống cây này ngoài sự ngự trị của cây cà phê. Là những bãi cát trắng muốt ở Cam Hải Đông. Sao nó không nhớ về vịnh Cam Ranh lộng lẫy và cái hải cảng quân sự quan trọng danh tiếng nhất nhì châu Á kia mà cứ nhớ nhịp điệu bình thường thế này không biết. Tâm hồn của nó thuộc về những gì đời thật, là các điều trầm lặng và cần lao như cô bác chạy xe ba gác trên bến Ba Ngòi, các hàng cây bằng lăng tím trên vỉa hè thị xã và đường làng hiếm hoi cỏ dại ở phố xóm Cam Linh, Cam Phú, Cam Bình, Cam Lợi, Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông... đó. Và quên sao được cụ già có trình độ văn hóa lớp năm nhưng dám mở lớp xóa mù chữ cho trẻ con trong làng chài của mình và dạy chúng cho đến khi ông “hết chữ” thì thôi. Cam Ranh của phần còn lại, phần không nổi tiếng.


Dư vị xứ biển của nó thế đấy. Nó không biết uống rượu, thay vào đó nó uống những “giọt” Cam Ranh, “giọt xứ sở”.


Nó hẹn với lòng một ngày nào đó sẽ trèo lên những ngọn núi ở Cam Thịnh Tây... nằm bên mép tây của Quốc lộ 1 để xem bà con bán sơn địa trồng chuối kiểu gì mà thành những... “núi chuối”, chuối chen được trong những tảng đá lỏi chỏi như thế kia. Rẫy ở miền thượng đại ngàn quá bình thường, nhưng rẫy trên núi trọc miền duyên hải thì hẳn cỏ cây cũng gồng mình lên với nắng gió đại dương. Chắc là bà con không chỉ sống dựa vào biển mà còn dựa thêm lòng tốt của núi non.


Nó ở Đà Lạt, xứ cao nguyên. Nơi đó cơ địa con người ta đều đều, lưng chừng, cứ như trời đất “ưu đãi” quá nên nhiều khi nhịp sống không tưng bừng được như người ở miền nhiệt đới duyên hải dưới ấy. Nên mỗi lần xuống biển, Cam Ranh bỗng chốc trở thành “đặc sản” với nó vậy. Nó hay hát bài “Rong chơi cuối trời quên lãng” mà với Cam Ranh nó có quên được đâu kìa.


Nắng cháy Cam Ranh hình như đã tự nhiên làm ướt luôn cả tâm hồn giang hồ của nó rồi. Đến đây, muốn hạ sơn, quay lại với Cam Ranh quá…


Nguyễn Hàng Tình