10:02, 14/02/2021

"Bảo mẫu" của sinh vật biển

Bảo tàng Hải dương học thuộc Viện Hải dương học (thành phố Nha Trang) đang là nơi nghiên cứu, nuôi dưỡng hàng trăm loài cá đàn, cá rạn san hô, cá mập, cá sấu… quý hiếm. Để chăm lo tốt từng "miếng ăn, giấc ngủ" cho sinh vật biển ở môi trường dưới nước, đòi hỏi các nhà khoa học ở đây phải trang bị nhiều kỹ năng đặc thù.

Bảo tàng Hải dương học thuộc Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) đang là nơi nghiên cứu, nuôi dưỡng hàng trăm loài cá đàn, cá rạn san hô, cá mập, cá sấu… quý hiếm. Để chăm lo tốt từng “miếng ăn, giấc ngủ” cho sinh vật biển ở môi trường dưới nước, đòi hỏi các nhà khoa học ở đây phải trang bị nhiều kỹ năng đặc thù.


Thuần dưỡng cá


Tại bể cá nhân tạo ở Bảo tàng Hải dương học, du khách đều bất ngờ và thích thú khi chứng kiến thợ lặn vừa cho cá ăn, vừa chơi đùa thoải mái với đàn cá đầy màu sắc. Du khách chỉ cần đưa tay vỗ nhẹ vài cái vào lồng kính là cả đàn cá bơi lại, thân thiện với con người. Nhưng ít ai biết, để cá có thể thoải mái vây quanh con người như vậy là một quá trình thuần dưỡng, huấn luyện bền bỉ, lâu dài. Và nhiều năm nay, việc chăm sóc cá ở bảo tàng đều do 2 nhà khoa học trẻ: Đoàn Văn Thân và Nguyễn Trương Tấn Tài - thuộc Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển phụ trách.

 

Các nhà khoa học ở Viện Hải dương học lặn biểu diễn cho cá ăn.

Các nhà khoa học ở Viện Hải dương học lặn biểu diễn cho cá ăn.


Anh Thân cho biết, trước khi đưa vào nuôi trong bể nhân tạo, cá được sàng lọc rất nghiêm ngặt. Ở giai đoạn thuần dưỡng, thay vì ăn uống thất thường như trong môi trường tự nhiên, cá sẽ được huấn luyện cho ăn đúng giờ như trong quân đội để cơ thể khỏe mạnh và không bị căng thẳng. Qua quá trình chăm sóc theo dõi, con cá nào có biểu hiện bị bệnh như: mắt lờ đờ, da sần sùi… sẽ được tách đàn và đưa đi chữa bệnh ngay lập tức. Sau khi vượt qua đợt “xét tuyển” nghiêm ngặt, cá mới được đưa vào khu trưng bày bể kính cho khách du lịch thưởng lãm. Tuy nhiên, cũng phải qua nhiều tháng làm quen môi trường mới, huấn luyện thuần thục, cá mới mạnh dạn bơi theo con người như ngày hôm nay.


Mỗi con cá có một lãnh thổ riêng, dù là trong bể. Con nào to lớn, mạnh khỏe hơn thì chọn được chỗ ở vừa ý gần trung tâm bể cá, con nào yếu hơn thì ở các vùng ven. Anh Thân kể: “Một số con bướng bỉnh không chịu ăn theo đàn, cứ nằm mãi trong hang hốc nên nhiều thời điểm các thợ lặn phải lặn xuống tận nơi đút thức ăn cho cá. Việc lặn xuống bể cá còn với mục đích vệ sinh bể, lau kính và phát hiện bệnh của cá để chữa trị”.


Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường (Viện Hải dương học) cho biết: “Bên cạnh chăm sóc cho cá, việc các nhà khoa học cho cá ăn trực tiếp cũng là một tiết mục biểu diễn để phục vụ du khách tham quan. Đội ngũ “bảo mẫu” này còn đảm nhiệm công tác truyền thông với thông điệp bảo vệ môi trường nhằm giáo dục và tuyên truyền cho du khách”.


“Bảo mẫu” cho... cá dữ


Hiện nay, Bảo tàng Hải dương học nuôi giữ 4 cá thể cá sấu hoa cà chưa trưởng thành do Công viên Đầm Sen, TP. Hồ Chí Minh trao tặng. Chăm sóc cho cá mập và cá sấu ở bảo tàng 4 năm nay, anh Tài cho biết, cá sấu là loài có bản năng hung dữ, nên việc tiếp cận, khống chế cá sấu để kiểm tra sức khỏe cũng khiến anh nhiều phen thót tim. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, việc đầu tiên là phải khống chế từ bên ngoài bằng dây thừng buộc miệng lại, sau đó phủ một tấm khăn đen lên mắt để cá sấu không nhìn thấy, không còn phản ứng tự vệ. Sau đó, mới từ từ vào bên trong chuồng để siết chặt dây lại, trước khi tiếp cận chăm sóc, chữa trị.

 

Kỹ sư Nguyễn Trương Tấn Tài kiểm tra, chăm sóc cá sấu.

Kỹ sư Nguyễn Trương Tấn Tài kiểm tra, chăm sóc cá sấu.


Đối với cá mập nuôi ở bảo tàng có 3 loại, gồm cá mập rạn san hô vây đen (Black reef tip shark), cá mập rạn san hô vây trắng (White reef tip shark) và cá mập y tá (Nurse shark). Anh Tài chia sẻ: “Cá mập vây đen thường bơi liên tục và ăn trên mặt nước, còn cá mập vây trắng và cá mập y tá ít bơi, chủ yếu nằm yên một chỗ nên việc cho ăn cũng phải phân chia thức ăn cho đồng đều. Với những con cá kén ăn phải có chế độ chăm sóc riêng cho từng con”,


Sau nhiều thời gian gắn bó, chăm sóc cho sinh vật biển ở bảo tàng, anh Thân và anh Tài đều yêu thích công việc “bảo mẫu” này và xem bảo tàng là ngôi nhà thứ hai của mình. Việc được tận mắt chứng kiến các loài sinh vật biển do bàn tay mình chăm sóc lớn lên từng ngày, có loài còn đẻ trứng, sinh con… là điều khiến các anh cảm thấy hạnh phúc và vui mừng nhất.


Thạc sĩ Hồ Sơn Lâm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển cho biết, phòng hiện có 16 nhà khoa học, chia nhau quản lý các khu: Thuần dưỡng, tài nguyên biển đảo, sinh vật lớn, sinh vật bảo tồn để đảm nhiệm chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng toàn bộ sinh vật biển ở bảo tàng. Bên cạnh việc chăm sóc, thuần dưỡng, Viện Hải dương học đã và đang nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều loại sinh vật biển quý hiếm như: Cá hồng y, san hô, cá khoang cổ nemo, hải quỳ… Thông qua sinh sản nhân tạo, bảo tàng sẽ tự chủ được nguồn sinh vật biển, từ đó góp phần giảm thiểu áp lực khai thác cạn kiệt các loại sinh vật biển quý hiếm này.


THÁI THỊNH

 

 




Bảo tàng Hải dương học được thành lập từ những ngày đầu thành lập Viện Hải dương học (năm 1922), tiền thân là Phòng lưu trữ mẫu vật sinh vật biển, phục vụ cho công tác bảo quản mẫu sinh vật biển của các nhà khoa học. Bảo tàng Hải dương học còn có chức năng trao đổi mẫu vật với các bảo tàng khác trên thế giới như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh,… Hiện nay, khu trưng bày đa dạng của bảo tàng là nơi trưng bày, bảo quản bộ mẫu sinh vật biển với hơn 24.000 mẫu của 4.400 loài, là nguồn di sản biển lớn nhất Việt Nam.