09:02, 13/02/2021

15 năm viết thư gửi lính đảo

Với những người lính đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, cái tên Nguyễn Thị Kim Diên dường như quá đỗi thân thuộc. 15 năm qua, Diên đã viết cả trăm lá thư, gửi gắm những tình cảm chân thành tới người lính nơi đầu sóng.

Với những người lính đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, cái tên Nguyễn Thị Kim Diên dường như quá đỗi thân thuộc. 15 năm qua, Diên đã viết cả trăm lá thư, gửi gắm những tình cảm chân thành tới người lính nơi đầu sóng.


Trái tim của biển


Chiều cuối năm, vẫn số điện thoại quen thuộc, đầu dây bên kia vang lên giọng trong trẻo của Nguyễn Thị Kim Diên - cựu sinh viên Trường Đại học Thái Bình Dương: “Anh ơi, chuyến hàng Tết ra Trường Sa lần này anh có đi không? Nếu đi thì cho em gửi mấy lá thư và ít đồ cho các anh ngoài đảo. Năm nay, không có các chuyến thăm giữa năm, chắc các anh ấy buồn lắm nên thư em viết cũng nhiều hơn…”. Diên bắt đầu câu chuyện cuối năm như thế. Câu chuyện về những cánh thư vượt sóng đến với Trường Sa đã diễn ra suốt 15 năm qua.

 

Những cánh thư vượt sóng ra nơi đảo xa.

Những cánh thư vượt sóng ra nơi đảo xa.


Diên kể: “Năm học lớp 3, trong dịp gần Tết, xem một chương trình về các chiến sĩ Trường Sa, tự nhiên em thấy thương các chú, các anh quá! Ngay hôm sau, em đã tự viết thư và nhờ ba mẹ gửi qua bưu điện. Ngày qua ngày, những cánh thư đi và về giữa đất liền và Trường Sa đã hun đúc cho em tình yêu với người lính, thứ tình cảm đặc biệt, rất đỗi thiêng liêng”.


Còn nhớ, cách đây 9 năm (năm 2011), cũng trong một chuyến ra công tác Trường Sa, trên đảo Thuyền Chài, giữa hàng trăm bức thư gửi người lính đảo, tôi thực sự ấn tượng với những bức thư nét chữ học trò của một học sinh ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nó đặc biệt bởi lá thư được ép cùng với những cành hoa khô và con hạc giấy, bì thư được trang trí bằng tay với những nét vẽ khá đẹp và cái tên Nguyễn Thị Kim Diên đã làm cho cánh phóng viên để ý. Có lẽ câu chuyện về bức thư năm ấy rồi cũng sẽ bị quên theo năm tháng, nếu như 5 năm trước tôi không tình cờ gặp lại Diên trong một lần tiễn đoàn đi thăm và chúc Tết Trường Sa. Cô bé với dáng người nho nhỏ, mặc áo dài cách điệu từ chiếc áo của lính hải quân ôm chồng thư ra tận cầu cảng đã làm tôi ấn tượng. Khi biết em chính là cô bé đã viết thư mà tôi được đọc trên đảo Thuyền Chài nhiều năm trước, tôi thật sự ngỡ ngàng. Có lẽ bởi tình yêu biển đảo nồng cháy nên năm nào Diên cũng viết thư gửi tới Trường Sa. Mỗi lần viết, sẽ có 33 lá thư và 33 hũ hạc giấy được “cô bé Trường Sa” gửi đến cán bộ, chiến sĩ của 33 đảo và điểm đảo. 15 năm qua, hàng trăm lá thư vượt sóng như một sự minh chứng cho tấm lòng sắt son, những tình cảm nồng hậu của đất liền gửi tới hải đảo xa xôi.


Mãi một tình yêu


Trong chuyến tiễn đoàn công tác ra chúc Tết Trường Sa năm nay thiếu vắng cô gái mặc chiếc áo dài cách điệu từ quân phục hải quân. Diên tâm sự, năm nay, vì công việc nên không đi được, em rất buồn! Bởi 5 năm qua, năm nào em cũng ra tận cầu cảng để gửi những lá thư ra đảo, để được vẫy tay chào các chiến sĩ vượt trùng khơi ra nơi biên đảo. “Chẳng hiểu tại sao mấy hôm nay cảm giác thật buồn và cô đơn đến vậy... Nhìn mọi người tất bật chuẩn bị những phần quà mang mùa xuân ra đảo mà lòng cảm thấy nôn nao vô cùng... Lại nhớ những lần hẹn hò nhau giữa những người trên mọi miền Tổ quốc, những lần cùng nhau chuyển yêu thương và cả những lần cùng nhau cất tiếng hát thân thương trên cầu cảng... Nhớ cái nắng gay gắt, nhớ nụ cười tỏa nắng, nhớ màu áo trắng của các anh... Có những nỗi nhớ chẳng nói hết bằng lời”, Diên đã trải lòng mình như vậy trên facebook.

 

Những bức thư của Diên đến với chiến sĩ đảo Đá Nam.

Những bức thư của Diên đến với chiến sĩ đảo Đá Nam.


Nói về tình yêu biển đảo, không ít người cũng mãnh liệt như Diên. Song, ở em vẫn có những điều rất đặc biệt. Nhiều lần em tự nhận mình là trái tim của biển, tình yêu dành trọn cho Trường Sa. “Mỗi hơi thở, mỗi giấc mơ của em có vị mặn mòi của biển cả. Mỗi bước đường em đi qua đều mang theo tình yêu biển đảo. Trường Sa, người lính hải quân đã trở thành tình yêu quá đỗi thiêng liêng”, Diên trải lòng.


Vì yêu biển, yêu lính đảo nên ngay khi học hết THPT, Diên đã chọn học đại học tại Nha Trang để có điều kiện gần Trường Sa hơn. Ngay cả khi tốt nghiệp đại học, thay vì vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc, “cô gái Trường Sa” vẫn quyết định ở lại Nha Trang bởi nơi ấy có quá nhiều kỷ niệm với người lính biển. Diên cho biết: “Hiện nay, em là thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương nên em muốn ở lại Khánh Hòa để có điều kiện tham gia hoạt động cho câu lạc bộ nhiều hơn. Ai từng ra Trường Sa mới thấu hiểu những vất vả, khó khăn của người lính biển. Mỗi việc làm, mỗi hành động của đất liền sẽ là nguồn động viên cho những người lính đảo chắc hơn tay súng, bảo vệ vững chắc biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”.


Ở Trường Sa hôm nay, những cánh hoa bàng vuông đã nở rực hồng, những cánh hải âu chao nghiêng, mùa xuân đang đến thật gần. Xuân nơi đầu sóng, ngọn gió có vị mặn của biển, vị mặn của những giọt mồ hôi trên trán của người lính trẻ. Mùa xuân nơi đây còn có vị ngọt của tình thương yêu mà 15 năm qua Nguyễn Thị Kim Diên đã gửi gắm qua hàng trăm lá thư vượt sóng.


N.M