04:01, 25/01/2020

Chiếc bánh chưng xanh những nếp nhà…

28 Tết, khách đến nhà khi má tôi đang lụi hụi với củi lửa trước cổng đun nồi bánh chưng mấy cha con mới gói xong. Khách ở Vạn Giã vô thăm, thấy má bảo ở thành phố giờ người ta cũng năng gói bánh chưng. Mới vừa nãy thôi, ghé thăm nhà ông bạn là chủ khách sạn, thấy con gái bạn - thế hệ 9X đấy nhé - cũng bày biện nào chiếu, nào lá, nào thịt mỡ, đậu nếp... gói cả mấy chục chiếc bánh chưng. Nhà ăn thì ít mà quà tặng thì nhiều. 

28 Tết, khách đến nhà khi má tôi đang lụi hụi với củi lửa trước cổng đun nồi bánh chưng mấy cha con mới gói xong. Khách ở Vạn Giã vô thăm, thấy má bảo ở thành phố giờ người ta cũng năng gói bánh chưng. Mới vừa nãy thôi, ghé thăm nhà ông bạn là chủ khách sạn, thấy con gái bạn - thế hệ 9X đấy nhé - cũng bày biện nào chiếu, nào lá, nào thịt mỡ, đậu nếp... gói cả mấy chục chiếc bánh chưng. Nhà ăn thì ít mà quà tặng thì nhiều. Con gái bạn là người khởi xướng, rồi rủ bạn bè cùng đến gói. Khách sạn có mấy du khách nước ngoài thuê ở dài ngày, biết có gói bánh cũng ngồi xạp vào xin tham gia. Cũng tước lạt, gập lá, cũng gói gói, vuốt vuốt..., bảo rằng cho biết cái cảm giác được chuẩn bị đón Tết Việt.
 

 

 
Rồi như chạm vào cảm xúc của mình, khách lấy điện thoại ra, cho xem ảnh của 2 đứa con đang du học ở Mỹ. Là ảnh cậu con trai và cô con gái mặc áo dài khăn đóng truyền thống bên cánh mai rực rỡ, dĩ nhiên là mai giả thôi, phía sau là phông nền chúc mừng năm mới với mai vàng, pháo hoa. Bức khác là chồng bánh chưng, bánh tét cao ngất trên cái mâm đặt giữa nhà, sản phẩm của 2 con và các du học sinh Việt mới gói, lá bên ngoài còn xanh mướt, còn chưa kịp luộc đã qua zalo, facebook bay về bên này, cùng rộn ràng Tết với ba má. 
 
Khách kể, 2 đứa con cùng ở Mỹ nhưng 2 thành phố khác nhau, cách 4 giờ chạy xe. Vậy nhưng cận Tết, em lái xe đến chỗ chị, cùng đón không khí Tết. Cũng gói bánh. Cũng tất niên. Giới thiệu truyền thống người Việt mình đến người bản xứ. Rồi chụp hình, gửi không khí đón Tết về cho ba mẹ. Chị mừng lắm vì các con ý thức được truyền thống ngày Tết. 2 đứa con cách xa bố mẹ nửa vòng trái đất, cho dù công nghệ có hiện đại đến đâu, mẹ con gặp nhau từng ngày, qua những cái màn hình thì cũng không sao hết nhớ. Tết càng nhớ càng thương hơn. Nhớ nên mấy ngày cận Tết, ba và má mỗi người đều lưu chùm ảnh của các con, ngày nào cũng lấy ra xem. Xem chúng cập nhật không khí đón Tết của người Việt mình bên ấy, ngược lại chúng cũng cảm nhận được Tết quê bên này.
 

 

 
Má tôi nhìn mấy cặp bánh nhà mình, bảo cũng không vuông vức bằng người ta gói nhưng cho có không khí Tết, và để giữ truyền thống gia đình trong cái Tết vốn đang ngày càng nhạt đi ít nhiều trong mắt giới trẻ. Già trẻ lăng xăng mỗi người mỗi việc cũng đủ thấy không khí Tết rồi. Tết là những thứ ấy chứ đâu!
 
Ừ, má nói nào có sai đâu. Năm nào cũng vậy, chính tay má lựa từng tàu lá, đong từng cân nếp hay đậu xanh, dù má đã 70 rồi. Lá dong năm nay má không mua ở chợ Xóm Mới như mọi năm, mà mua ở chợ Bình Tân. Bữa ấy, khi con gái chở đi ăn tất niên sớm ở nhà người quen, ngang chợ, thấy mấy cô hàng bán lá dong bên vệ đường, má bảo ngừng xe. Lá vừa đẹp, xanh mướt, lại vừa rẻ. Má mua cả trăm tàu về cho ba gói bánh. Má vẫn nhớ thời 3 đứa con đi học đại học, Tết về một mình ba gói mấy chục cái bánh chưng, 2 cặp để cúng ông bà thôi, rồi cho anh em, biếu mấy ông bạn già, còn lại là quà quê cho mấy đứa con đem về phố, nơi chúng học. Các cháu của má bây giờ chẳng đứa nào thích ăn bánh chưng đâu, nhưng mỗi khi gói má lại gọi mấy đứa nhỏ về, gọi là phụ nhưng chỉ chạy lăng xăng cũng được, để chúng biết tiếng tí tách của củi lửa, biết cái vị ấm áp của nồi bánh chưng, để chúng biết rồi một ngày nào đó sẽ hiểu khi chúng lớn hơn, một ngày nào đó ba mẹ chúng rồi sẽ lại ở vào cái tuổi ông bà, còn chúng ở vào tuổi tôi bây giờ.
 

 

 
Chợt nói với khách rằng thực ra phố này cũng nhiều người nữa chung ý nghĩ như mình. Như 2 nhà hàng xóm mé bên kia chung củi lửa, thùng tôn bắc bếp chung nhau luộc nồi bánh trong con hẻm nhỏ. Để có người chạy xe ngang qua bỗng ngẩn ngơ trong tiếng tí tách của củi lửa, hay nhìn những vệt khói bay lên quện theo hương lá dong, gạo nếp... lãng đãng trong chiều. Như một chiều 30 Tết ngang phố thấy căn nhà mặt tiền có hai ông bà già bắc ghế ngồi ở vỉa hè trước nhà mình canh nồi bánh. Trong câu chuyện của họ chắc toàn ký ức của một thời xanh xưa. Rồi mấy trường học trong phố cũng náo nức những không gian Tết với bánh chưng xanh câu đối đỏ cho lũ học trò nhỏ đong đầy háo hức. Hay không gian nho nhỏ ở hội hoa xuân kia cũng lắm người vây quanh cái lán tre nho nhỏ, bên này thúng nếp, bên kia thúng đậu, rồi lạt, rồi khuôn, rồi lá dong...
 
Những cái bánh vuông hay tròn, to hay bé, ở thôn quê hay thành thị cũng đều như nhau cả, như gói cả những nếp nhà, gói cả hồn dân tộc. 
 
Đăng Quỳnh